Trung Quốc đang tăng cường cấm mọi người rời khỏi đất nước, bao gồm cả các giám đốc điều hành nước ngoài, một thông điệp trái ngược với tuyên bố của chính quyền rằng nước này mở cửa kinh doanh trở lại sau ba năm phong tỏa Covid-19.
‘Hàng chục nghìn người bị cấm xuất cảnh’
Theo một báo cáo mới đây của nhóm nhân quyền Safeguard Defenders, rất nhiều người Trung Quốc và người nước ngoài đã bị mắc kẹt trong các lệnh cấm xuất cảnh. Trong khi một phân tích của Reuters cho thấy số lượng các vụ kiện ra tòa liên quan đến các lệnh cấm này tăng lên rõ rệt trong những năm gần đây và các nhà vận động hành lang cho doanh nghiệp nước ngoài đang lên tiếng bày tỏ lo ngại về xu hướng độc tài của chính quyền Trung Quốc.
Báo cáo của Safeguard Defenders viết: “Kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, Trung Quốc đã mở rộng phạm vi pháp lý cho các lệnh cấm xuất cảnh và ngày càng sử dụng chúng nhiều hơn, đôi khi nằm ngoài sự biện minh của pháp luật” .
Laura Harth, giám đốc chiến dịch của nhóm cho biết: “Từ năm 2018 đến tháng 7 năm nay, không dưới 5 luật mới hoặc sửa đổi (của Trung Quốc) quy định việc sử dụng các lệnh cấm xuất cảnh, với tổng số 15 luật hiện nay”.
Nhóm ước tính “hàng chục ngàn” người Trung Quốc bị cấm xuất cảnh bất cứ lúc nào. Báo cáo cũng trích dẫn một bài báo học thuật năm 2022 của Chris Carr và Jack Wroldsen đã tìm thấy 128 trường hợp người nước ngoài bị cấm xuất cảnh từ năm 1995 đến 2019, bao gồm 29 người Mỹ và 44 người Canada.
Sự chú ý về các lệnh cấm xuất cảnh diễn ra khi căng thẳng Trung Quốc- Mỹ gia tăng về các tranh chấp thương mại và an ninh. Điều này trái ngược với thông điệp của Trung Quốc rằng họ đang mở cửa cho đầu tư và du lịch nước ngoài, thoát khỏi sự cô lập của một số biện pháp hạn chế Covid-19 chặt chẽ nhất trên thế giới.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ tái khẳng định cam kết với Israel, cảnh báo về Trung Quốc, Nga
Trithucvn dẫn tin từ Just the News và The Epoch Times cho biết, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy hôm thứ Hai (1/5) đã có bài phát biểu lịch sử tại Knesset – quốc hội đơn viện của Israel, tái khẳng định cam kết của Mỹ với đồng minh gần gũi và lâu đời nhất ở Trung Đông, đồng thời lên án sự hung hăng của Iran trong khu vực, cảnh báo mối đe dọa đang gia tăng từ Trung Quốc và chỉ trích Nga xâm lược Ukraine.
Trước các nghị sĩ Israel, ông McCarthy ca ngợi Israel là nền dân chủ thịnh vượng và là nền kinh tế tân tiến tại Trung Đông, xếp thứ tư trong số các quốc gia đang phát triển.
“Câu chuyện của Israel là câu chuyện của sự sống sót trước những tai họa chiến tranh và khủng bố”, ông McCarthy nói và cho biết thêm rằng sự tái sinh của Israel “không gì khác hơn là một phép màu hiện đại”.
Ông McCarthy cũng nói ông tự hào rằng Mỹ là nước đầu tiên công nhận nền độc lập của Israel, chỉ 11 phút sau khi nước này tuyên bố độc lập và ông cũng khẳng định Mỹ trân quý mối quan hệ gắn kết không thể phá vỡ giữa hai quốc gia.
“Chừng nào tôi còn là chủ tịch, Quốc hội [Mỹ] sẽ tiếp tục cung cấp tài chính hỗ trợ an ninh đầy đủ cho Israel”, ông McCarthy cam kết.
Hạm đội Biển Đen đẩy lùi cuộc tấn công của Ukraine
Thống đốc thành phố Sevastopol Mikhail Razvozhaev nói hôm mùng 1/5 rằng, lực lượng Hạm đội Biển Đen và lực lượng phòng không Nga đã đẩy lùi cuộc tấn công của máy bay không người lái (UAV) mà Moscow nghi là từ Ukraine, vào bán đảo Crimea.
Thống đốc Sevastopol cũng xác nhận đã có 1 UAV ở phía Tây bán đảo, gần thành phố Evpatoria bị bắn hạ và kêu gọi người dân Crimea bình tĩnh.
Hiện chính quyền Ukraine chưa bình luận về các vụ tấn công này.
Một phần nhân viên cơ quan ngoại giao Đức vừa rời Nga
Theo TASS, một số nhân viên của cơ quan ngoại giao Đức đã rời Nga vào thứ Hai, ngày 1/5. Bộ Ngoại giao Đức đưa ra thông báo mà không nêu rõ số lượng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết trên kênh truyền hình Zvezda vào cuối tháng 4 rằng hơn 20 nhà ngoại giao Đức sẽ bị trục xuất khỏi Nga như một biện pháp ăn miếng trả miếng để đáp trả việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga khỏi Đức.
“Chính phủ Đức đã tổ chức liên lạc với phía Nga trong vài tuần qua để giảm bớt sự hiện diện của các dịch vụ đặc biệt của Nga ở Đức,” báo cáo cho biết. Do đó, một số nhân viên của cơ quan ngoại giao Nga đã rời Đức vào giữa tháng. Dịch vụ báo chí của phía Đức cho biết: “Các hoạt động của họ không phù hợp với quy chế ngoại giao”.
“Đổi lại, chính phủ Nga đã yêu cầu một số nhân viên tương tự của các cơ quan đại diện Đức rời khỏi đất nước. Họ đã rời Nga hôm nay, ngày 1 tháng 5,” Bộ cho biết và nói thêm rằng các hoạt động của những nhân viên đó “tuân thủ quy chế ngoại giao của họ.”
Tờ Bild của Đức đã viết trước đó trích dẫn các nguồn tin rằng 34 trong số khoảng 90 nhà ngoại giao Đức làm việc tại Nga đã phải rời khỏi đất nước.