Ngày 4/5, truyền thông quốc tế tiếp tục bày tỏ lo ngại về nguy cơ bộ phận tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc quay trở lại Trái đất và rơi mất kiểm soát trong tuần này. Tầng trung tâm của nó đang xoay quanh địa cầu với tốc độ 27.600km/h.
- Video trực thăng quân đội Myanmar bị phiến quân bắn rơi, cháy như ‘cầu lửa’
- Cựu TT Trump ra mắt nền tảng liên lạc mới sau nhiều tháng bị các mạng xã hội ‘bịt miệng’
- Điểm tin 5/5: Lý do dịch tái bùng phát ở Việt Nam; Điểm yếu khó vượt qua của quân đội Trung Quốc
Tờ South China Morning Post ngày 4/5 đưa tin mảnh vỡ CZ-5B của tên lửa Trường Chinh 5B đang được Trung Quốc “giám sát chặt chẽ”, và chúng có khả năng rơi xuống vùng biển quốc tế trong vài ngày tới. Trong khi đó, nhiều báo quốc tế như The Guardian, Global News, The Independent… tiếp tục bày tỏ lo ngại về khả năng tên lửa này rơi xuống Trái đất mất kiểm soát.
Tờ CNN cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang theo dõi tên lửa mất kiểm soát này (Mỹ gọi tên lửa này là 2021-035B). Tuy nhiên, chỉ có thể xác định chính xác điểm rơi của nó trong vòng vài giờ trước khi rơi xuống.
Hôm 29/4, Trung Quốc đã sử dụng tên lửa đẩy Trường Chinh 5B để phóng module lõi đầu tiên có tên Thiên Hòa lên quỹ đạo Trái đất từ Trung tâm phóng tàu vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam. Động thái này được cho là đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xây dựng trạm không gian vũ trụ riêng của Bắc Kinh.
Video Trung Quốc phóng module Thiên Hà từ Trung tâm phóng tàu vũ trụ Văn Xương:
Tuy nhiên, thay vì rơi xuống một địa điểm đã định trước trên biển như các bộ phận của tên lửa trước đây, bộ phận CZ-5B nặng tới 21 tấn của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B bắt đầu xoay quanh địa cầu trong tình trạng mất kiểm soát và sẽ rơi xuống bất kỳ địa điểm nào trên Trái đất.
Tờ The Guardian ngày 4/5 cho biết, tầng trung tâm CZ-5B đang xoay quanh địa cầu 1 vòng hết 90 phút với tốc độ khoảng 27.600km/h và ở độ cao hơn 300km.
Nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell thuộc Trung tâm vật lý thiên văn Harvard–Smithsonian nhận định rằng, các cơ quan vũ trụ “hoàn toàn không biết được địa điểm mảnh vỡ CZ-5B sẽ đáp xuống”.
“Điều này sẽ tồi tệ tương đương với một vụ tai nạn máy bay với các mảnh vỡ trải dài trong khu vực rộng hàng trăm kilomet. Dù không rõ còn bao nhiêu bộ phận mảnh vỡ CZ-5B của tên lửa còn sót sau khi bay ngược trở lại vào bầu khí quyển Trái Đất, nhưng chúng cũng đủ để gây ra thiệt hại”, ông McDowell nói với tờ SCMP.
“Phía Trung Quốc đã hết sức cẩu thả. Ngành hàng không vũ trụ chưa bao giờ cố tình để những vật thể nặng hơn 10 tấn rơi một cách mất kiểm soát như vậy”, ông McDowell nói thêm.
Dựa trên quỹ đạo hiện tại, bộ phận tên lửa Trường Chinh 5B đang đi về phía bắc New York (Mỹ), Madrid (Tây Ban Nha) và Bắc Kinh (Trung Quốc) rồi đi về phía Nam ở Nam Chile và thủ đô Wellington (New Zealand). Dự kiến, nó có thể rơi xuống bất kỳ địa điểm nào trong khu vực này. Với vận tốc như trên, CZ-5B sẽ quay trở lại Trái Đất vào ngày 10/5, có thể muộn hoặc sớm hơn 2 ngày.
Theo SCMP, một nguồn tin làm việc cho chương trình không gian của Trung Quốc cho rằng hầu hết mảnh vỡ sẽ bị thiêu cháy.
Trang SpaceNews cho biết bộ phận CZ-5B “có khả năng” sẽ rơi xuống địa điểm không có người ở, chẳng hạn như xuống biển. “Tỷ lệ một cá nhân cụ thể bị mảnh vỡ từ trên không gian rơi trúng phải là cực kỳ thấp”, thông cáo ghi trên trang này nêu rõ.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình cũng cho rằng mảnh vỡ tên lửa sẽ rơi xuống những địa điểm an toàn, chẳng hạn trên vùng biển quốc tế hoặc một khu vực không có người ở.