Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc (CSRG) đang gánh khoản nợ khổng lồ trong khi giới lãnh đạo nước này chỉ quan tâm đến con số tăng trưởng, mà không mấy quan tâm đến việc trả nợ.
Theo Nikkei Asia, Tập đoàn CSRG đang mở rộng mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới. Đây là một phần trong tham vọng của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Nhưng chiến dịch này đã làm tăng thêm tổng số nợ của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc. Tính đến cuối năm 2021, khoản nợ mà họ phải gánh là 5,91 nghìn tỷ nhân dân tệ (882 tỷ USD), tương đương 5% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc. Con số này dự kiến sẽ còn tăng lên, còn mối lo ngại về “khoản nợ tiềm ẩn” của Trung Quốc đã hiện rõ trong triển vọng kinh tế của nước này.
Mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc hiện dài hơn 40.000 km, gấp hơn 10 lần quy mô đường sắt của Nhật Bản. Trong năm 2021, nó đã tăng thêm 2.168 km. Hơn nữa, việc mở rộng mạng lưới đường sắt ở Trung Quốc không có dấu hiệu chậm lại. Tập đoàn CSRG đang có kế hoạch đạt mốc 50.000 km vào năm 2025 và 70.000 km vào năm 2035, như vậy là tăng khoảng 70% so với năm 2021.
Trong khi đó, mối lo ngại về các khoản nợ và khả năng sinh lời ngày càng nghiêm trọng.
“Ưu tiên của chính phủ là tăng trưởng kinh tế và họ không mấy quan tâm đến việc trả nợ”, theo ông Zhao Jian, giáo sư tại Đại học Giao thông Bắc Kinh.
Ông cho biết, mỗi km đường sắt tiêu tốn 120 triệu nhân dân tệ đến 130 triệu nhân dân tệ để xây dựng. Như vậy, muốn mở rộng 30.000 km đường sắt thì Trung Quốc sẽ tiêu tốn khoảng 3,6 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Nợ ẩn của Trung Quốc ngày càng lớn
Theo Nikkei, công ty này đang bán trái phiếu cho các ngân hàng quốc doanh và các công ty môi giới để trang trải chi phí. Việc huy động tiền từ trái phiếu sẽ còn tiếp diễn. Chính phủ Trung Quốc hôm 31/5 đã công bố các biện pháp kích thích kinh tế toàn diện nhằm thúc đẩy nền kinh tế vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19. Trong số các biện pháp được công bố, có kế hoạch cho phép Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc phát hành thêm 300 tỷ nhân dân tệ trái phiếu để xây dựng đường sắt.
Nikkei cho biết, các khoản “nợ ẩn” như vậy về cơ bản cho phép chính phủ Trung Quốc vay tiền mà không làm tăng thêm nợ chính thức của quốc gia. Tổng nợ phải trả của Đường sắt Trung Quốc đã tăng 4% vào năm 2021, lên tới 5,91 nghìn tỷ nhân dân tệ, theo báo cáo tài chính của tập đoàn.
Công ty này đang phải vật lộn để trả nợ. Trong khi đó, số hành khách của Tập đoàn Đường sắt đã giảm 29% so với trước đại dịch, chỉ còn 2,53 tỷ lượt khách vào năm ngoái và vẫn ế ẩm từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay.
Đường sắt Trung Quốc vừa khai trương tuyến đường sắt cao tốc Huanggang-Huangmei mới ở miền trung Trung Quốc vào ngày 22/4. Nhưng “chỉ có vài chục người dân địa phương dùng nó mỗi ngày”, một người dân sống gần một nhà ga trên tuyến đường sắt nói với Nikkei. Người này cho biết đây là khu vực chủ yếu sản xuất nông nghiệp, nên hầu như không có khách sạn hay các doanh nghiệp khác đến hoạt động.
Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc vừa cố gắng hạn chế nợ, vừa cố gắng mở rộng mạng lưới đường sắt. Từ đó, các khoản “nợ ẩn” tại Trung Quốc tiếp tục phình to.
Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc đang cũng đã niêm yết một số công ty con kể từ năm 2020 nhằm thu hút các quỹ tư nhân. Tuy nhiên, “một lượng nhỏ quỹ tư nhân sẽ không ảnh hưởng nhiều đến Đường sắt Trung Quốc, một thực thể nhà nước lớn”, giáo sư Zhao nói.