Samoa đã ngưng dự án xây dựng một khu cảng trị giá 100 triệu USD do Trung Quốc tài trợ vốn ngay sau khi có chính phủ mới.
- Nhân viên đốt xác – Những người khốn khổ giữa tâm chấn COVID-19
- 11 người thiệt mạng sau khi uống rượu tại đám tang giữa dịch COVID-19
- Video đám đông tháo chạy như ong vỡ tổ khi tòa nhà chọc trời ở Trung Quốc lắc lư
Theo SCMP, Tân Thủ tướng sắp nhậm chức của Samoa, bà Fiame Naomi Mata’afa, cam kết sẽ gác lại dự án phát triển cảng do Trung Quốc đầu tư với lý do khoản vay vượt quá khả năng gánh vác của quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương vốn đã mắc nợ nặng nề Trung Quốc.
Bà Fiame, lãnh đạo đảng đối lập, sẽ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của đảo quốc Samoa, sau nhiều tuần bế tắc chính trị. Người phụ nữ thép này khẳng định: “Samoa có nhiều nhu cầu cấp bách hơn là xây dựng một khu cảng mới. Là một quốc gia nhỏ, cảng biển và sân bay hiện tại đủ đáp ứng nhu cầu của đất nước”.
Lập trường của bà Fiame đánh dấu một quyết định đột phá, đảo ngược chính sách của Thủ tướng Tuilaepa, người được Bắc Kinh coi là một đồng minh thân cận trong hơn hai thập kỷ qua.
Dự án cảng biển tại vịnh Vaiusu, Samoa là một vấn đề gây chia rẽ và ảnh hưởng lớn đến kết quả cuộc bầu cử vừa qua ở hòn đảo này. Năm ngoái, bà Fiame từng lưu ý nợ chính phủ với Trung Quốc là một vấn đề cấp bách đối với người dân Samoa. Trong cương vị mới, bà khẳng định sẽ duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Trung Quốc và Mỹ.
Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất ở Samoa với khoản nợ tương đương 160 triệu USD, chiếm khoảng 40% tổng số nợ nước ngoài của nước này.
Ông Tuilaepa trước đó tin tưởng rằng dự án sẽ tạo ra số lượng việc làm cần thiết, cũng như giúp đẩy mạnh thương mại và du lịch cho Samoa.
Dự án đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng với Trung Quốc và dự kiến sẽ khởi công khi hoạt động đi lại quốc tế mở cửa trở lại, theo báo Samoa Observer.
Địa điểm xây dựng cảng Vaiusu nằm gần cảng chính Apia. Trước đó, cảng Apia được mở rộng với sự hỗ trợ tài chính từ Nhật Bản. Tuy nhiên, khoản đầu tư của Trung Quốc vào cảng Vaiusu đã vấp phải nhiều chỉ trích.
Những cơ sở như vậy có thể biến thành tài sản quân sự trong thời chiến, đặt ra thách thức với Mỹ và các đồng minh trong khu vực khi họ vốn có ảnh hưởng thống trị ở đại dương lớn nhất thế giới kể từ năm 1945.
Đầu tháng này, Reuters đưa tin rằng Trung Quốc đang muốn đầu tư vào dự án nâng cấp đường băng sân bay ở một trong các đảo xa xôi của Kiribati trên Thái Bình Dương, nằm sâu trong khu vực thường là vùng ảnh hưởng của Mỹ.