Ủy ban Kiểm tra thị ủy Điện Bàn được cho là đã “kiểm tra về mặt đảng” đối với ông Nguyễn Viết Dũng, Bí thư Chi bộ Công ty CP Tập đoàn Đất Quảng, người đánh nhân viên sân golf.
Sẽ là xử lý nội bộ?
Báo Người Lao Động thông tin việc ông Dũng bị Ủy ban kiểm tra thị ủy Điện Bàn “kiểm tra về mặt đảng” vào ngày 14/12. Bài báo cũng dẫn lời ông Nguyễn Công Thanh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, nói rằng việc xử lý ông Nguyễn Viết Dũng đang được thực hiện “theo đúng quy trình”. Hiện nay, ông Dũng đã có báo cáo giải trình và thừa nhận hành vi của mình, tuy nhiên đó chỉ mới là giải trình của cá nhân ông Dũng. Ông Thanh nói tỉnh đang “xác minh kỹ” rồi mới họp để “đưa ra hướng xử lý cụ thể”.
Về phần chị L. nạn nhân, chưa có thông tin chính thức chị sẽ làm đơn tố cáo hành vi đánh người của ông Dũng. Như vậy, không loại trừ khả năng sẽ không xử lý hình sự với chủ doanh nghiệp này, mà sẽ là “giải quyết nội bộ”.
Ở một động thái khác, ông Dũng đã lên tiếng về sự việc đánh chị L.; trong đó, ông tố ngược rằng, truyền thông những ngày qua đã “đưa nhiều thông tin sai sự thật, bới móc, khai thác chuyện đời tư cá nhân, gia đình mình cũng như hoạt động bình thường của doanh nghiệp”…
Chủ tịch TP. Đà Nẵng bị kỷ luật
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch và Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng, bị Thủ tướng Chính kỷ luật khiển trách. Lý do là ông Chinh, ông Minh có vi phạm, khuyết điểm trong công tác.
Cùng ngày 14/12, một lãnh đạo khác ở Đà Nẵng bị kỷ luật cảnh cáo (mức nặng hơn khiển trách) là bà Ngô Thị Kim Yến, Phó chủ tịch TP.
Đề xuất TP. HCM có thị trưởng
Bà Trần Thị Thu Hà, giảng viên Khoa Luật Hành chính – Nhà nước đưa ra đề xuất trên tại hội thảo ở Đại học Luật TP. HCM, sáng 14/12.
Theo bà Hà, UBND TP. HCM nên tổ chức chính quyền đô thị theo mô hình thị trưởng, khi đó trụ sở cơ quan này sẽ là Toà thị chính như một số TP lớn trên thế giới.
Với mô hình này, mô hình thị trưởng sẽ đề cao chế độ thủ trưởng, đặt nặng dấu ấn trách nhiệm của Chủ tịch UBND.
Công ty Việt Nam kiện Amazon, đòi bồi thường 280 triệu USD
The New York Post ngày 13/12 cho biết, Công ty Gilimex tuyên bố Tập đoàn Amazon đã yêu cầu họ đẩy mạnh hoạt động sản xuất cấu trúc chuyên dụng FPA dùng trong bộ phận robot của gã khổng lồ bán lẻ điện tử này.
Tuy nhiên, Amazon bị cáo buộc “nhanh chóng chấm dứt thỏa thuận với Gilimex vào tháng 5 năm nay”, theo đơn kiện gửi lên Tòa án Tối cao New York (Mỹ).
Gilimex kiện Amazon vì “làm thương mại không công bằng”, vi phạm hợp đồng và vi phạm nghĩa vụ ủy thác và đòi bồi thường 280 triệu USD.
Có thể bạn quan tâm: