Một nhóm nghị sĩ Hoa kỳ đề xuất đặt lại tên con đường trước mặt trụ sở Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Washington DC theo tên bác sĩ đầu tiên cảnh báo về virus Vũ Hán là Lý Văn Lượng.
- Hiện tượng ‘thiếu oxy thầm lặng’ gây đột tử ở bệnh nhân Covid-19
- Cập nhật trưa 9/5: Virus corona lây mạnh qua mắt; 21 tỉnh, thành khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi
- Ảnh hưởng dịch Covid-19, cả trăm con voi ở Thái Lan được thả về tự nhiên
Hãng AFP đưa tin, ngày 7/5 các nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi đổi tên đường “International Place” (Địa điểm Quốc tế) trước Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Washington thành “Li Wenliang Plaza” (Quảng trường Lý Văn Lượng) để ghi nhớ về vị bác sĩ đầu tiên cảnh báo về bệnh Viêm phổi Vũ Hán.
“Chúng tôi muốn rằng cái tên Lý Văn Lượng sẽ không bao giờ rơi vào quên lãng bằng cách đặt tên anh cho con đường phía trước Đại sứ quán của Quốc gia có liên quan tới bao nhiêu cái chết trên toàn thế giới mà bác sĩ Lý đã cố ngăn chặn từ đầu” – đại diện nhóm nghị sĩ nói.
Đề xuất này được 2 chính trị gia nổi tiếng với quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton và Thượng nghị sĩ Marco Rubio ủng hộ sau đó trình đồng loạt ở Hạ viện và Thượng viện Mỹ.
Bác sĩ Lý làm việc ở Khoa mắt Bệnh viện Trung ương Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc là một trong những người đầu tiên phát hiện ra dịch bệnh liên quan đến virus corona. Anh đã cố gắng nói lên những nghi ngờ của mình để cảnh báo đồng nghiệp và người thân sau khi có 7 ca nhập viện ở Bệnh viện Trung ương Vũ Hán cuối tháng 12/2019 có biểu hiện giống như mắc SARS 2003 (hội chứng hô hấp cấp tính nặng).
Tuy nhiên, cảnh báo đó khiến bác sĩ Lượng vướng vào rắc rối pháp lý. Anh bị cho là “phát tán tin đồn thất thiệt”, nhiều lần bị cảnh sát triệu tập, nhắc nhở, thậm chí gây khó khăn cho anh. Sau đó bác sĩ đã không may qua đời hồi tháng 2/2020, nguyên nhân được chính quyền Trung Quốc công bố là do nhiễm virus corona khi làm việc tại bệnh viện.
Ngày 19/3, Trung Quốc thực hiện một cuộc điều tra và kết luận rằng cảnh sát đã hành động không đúng mực khi khiển trách Lý Văn Lượng. Đầu tháng 4, chính quyền Bắc Kinh đã truy phong danh hiệu liệt sĩ cho bác sĩ Lý.
Trước đó năm 2014, các nhà lập pháp Mỹ cũng đã từng đề xuất đổi tên đường trước Đại sứ quán Trung Quốc thành “Đường Lưu Hiểu Ba”, tên nhà văn được trao giải Nobel Hòa bình nhưng lại bị Trung Quốc bắt giam. Thời điểm đó, ý tưởng không được Hạ viện và Tổng thống Barack Obama chấp thuận vì ưu tiên hợp tác song phương.
Đề xuất đổi tên đường trước Đại sứ quán Trung Quốc lần này được đưa ra giữa lúc quan hệ Mỹ – Trung đang ngày một căng thẳng xoay quanh đại dịch Viêm phổi Vũ Hán. Các quan chức chính phủ Mỹ cho rằng Trung Quốc cần chịu trách nhiệm vì đã che giấu và thiếu minh bạch về nguồn bốc bùng phát dịch bệnh.