Bất chấp những chiến thắng quyết định của Nga khi Soledar đã hoàn toàn thất thủ, truyền thông phương Tây vẫn cho thấy Ukraine là bên chiến thắng trong cuộc chiến và cố gắng làm giảm nhẹ thất bại của Kyiv.
Nghệ thuật PR đỉnh cao của Ukraine
Chỉ trong vài tuần, các phương tiện truyền thông Ukraine đã biến Soledar từ một “khu vực kiên cố bất khả xâm phạm” thành một “thị trấn vô dụng” và chỉ có ý nghĩa chiến lược đối với người Nga. Vì sao chính quyền Tổng thống Zelensky lại thay đổi thông tin nhanh như vậy?
Còn nhớ sau khi Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố “kiểm soát hoàn toàn” thành phố Soledar, truyền thông Ukraine và phương Tây chỉ tập trung mổ xẻ, làm dấy lên mâu thuẫn giữa Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner hay lực lượng chính quy Nga là đội quân chiến đấu chủ lực tại mặt trận Soledar, mà hoàn toàn phớt lờ thông tin thành phố này đã thất thủ dưới tay người Nga.
Cũng vậy, trong khi Tổng tham mưu trưởng lực lượng Ukraine Tướng Zaluzhny cho biết đã rút lui khỏi Soledar thì văn phòng Tổng thống Zelensky tuyên bố các binh sĩ vẫn ở lại thành phố và không có chuyện rút lui.
Tuy nhiên, phía Ukraine đã nhanh chóng thay đổi khi cố vấn của Văn phòng Tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovich tuyên bố: “Tình hình nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi và chúng tôi đang quyết định cách tốt nhất để tiến hành theo kế hoạch phòng thủ tổng thể. Do đó, nếu chúng tôi rời khỏi Soledar, đây sẽ không phải là một cuộc tháo chạy hay bao vây, đây là một quyết định đã được lên kế hoạch trước của bộ chỉ huy.”
Đồng thời, đến sáng ngày 17/1, Bộ chỉ huy Lực lượng Vũ trang Ukraine vẫn không công nhận việc mất thành phố Soledar vào tay người Nga, mặc dù nhiều nguồn tin khách quan đã chứng minh điều ngược lại.
Câu hỏi đặt ra là: Chính quyền Zelensky làm vậy nhằm mục đích gì?
Câu trả lời là: Việc tạo ra ảo giác rằng lực lượng Ukraine vẫn đang kiểm soát Soledar là nhằm để duy trì một lực lượng khán giả hùng hậu đang theo dõi và ủng hộ cuộc chiến đấu của chính quyền Zelensky trước người Nga, đồng thời cũng để trấn an các nhà tài trợ của Kyiv.
Việc tạo ra ảo ảnh chiến thắng hay kiên cường chiến đấu chống lại người Nga là một trong những con át chủ bài của bộ máy PR của chính quyền Kyiv. Đặc biệt nó phát huy hiệu quả khi tổng thống Zelensky và đội ngũ quan chức của ông đều xuất thân từ xưởng phim Kvartal-95 trước khi lên nắm quyền.
Vì vậy cỗ máy PR của Ukraine đã đạt được sự sáng tạo đáng kể, và phải thừa nhận rằng những cách tiếp cận như vậy có hiệu quả đặc biệt đối với dư luận thế giới trong điều kiện truyền thông chỉ tuyên truyền một phía có lợi cho Ukraine.
Song song với luận điểm “thành phố Soledar không bị thất thủ”, văn phòng của Tổng thống Zelensky bổ sung thêm hai luận điểm nữa, rằng “đây là một cuộc rút lui có kế hoạch” và “thành phố Soledar không có tầm quan trọng chiến lược”.
Rõ ràng, những luận điểm này đã được chính quyền Kyiv chuẩn bị từ trước, từ những ngày mà quân đội Ukraine nhận ra tình thế vô vọng của họ ở khu vực này. Lưu ý là, mặt trận Soledar và Bakhmut đã diễn ra từ tháng 8 năm ngoái, và gần đây mới được truyền thông phương tây nhắc đến nhiều do phía Nga tập trung hỏa lực để cắt đứt triệt để trạm tiếp quân của Ukraine tại Donbass.
Vì vậy, bộ máy PR của chính quyền Kyiv đã vội vã biến Soledar từ một “khu vực kiên cố bất khả xâm phạm” thành một “thị trấn 10.000 quân không cần thiết”.
Truyền thông không thể đưa tin Nga thắng
Lưu ý là, Mỹ và các đồng minh vẫn đang tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách của Ukraine. Bất chấp thất bại của Ukraine trên chiến trường Soledar và nhiều khả năng tiếp theo là Bakhmut, điều cấp thiết của truyền thông dòng chính phương Tây lúc này là phải tiếp tục tuyên bố rằng Nga đang bị đánh bại để duy trì đủ lâu dòng tiền tài trợ từ các thành viên NATO/EU.
Ngay từ đầu cuộc chiến, uy lực cỗ máy PR của chính quyền Kyiv đã được các phương tiện truyền thông phương Tây khuếch đại một cách nghiêm túc, chẳng hạn như Bóng ma Kiev bắn rơi hàng loạt máy bay của Nga, Lính Ukraine kiên cường bảo vệ Đảo Rắn, những lời cáo buộc Nga đã tự pháo kích vào nhà máy hạt nhân Zaporzhizhia do chính họ đang kiểm soát, cũng như Nga tự tay phá hủy đường ống huyết mạch kinh tế Nord Stream trị giá hàng tỷ đô la do nước này bỏ vốn xây dựng…
Các chiến dịch PR này nhìn chung đều thành công ở một mức độ nhất định và đây được coi là thành tựu nổi bật nhất của Ukraine và phương tây trong cuộc chiến thông tin trước người Nga.
Cũng vậy, chúng ta cũng nghe thấy quá những bản tin cũ rích như Nga nghèo túng, yếu kém, thiếu thốn đủ mọi thứ, từ thiết bị, công nghệ, đào tạo cho đến lãnh đạo, khiến công chúng có xu hướng chấp nhận giống như những tuyên bố vô tận rằng Nga đang cạn kiệt vũ khí đặc biệt là tên lửa.
Chúng ta đã chứng kiến vô số những tin bài vô căn cứ, chẳng hạn như danh sách các vấn đề về sức khỏe của Tổng thống Putin, về chứng hoang tưởng nghiện quyền lực, cũng như năng lực lãnh đao yếu kém của ông. Không chỉ vậy, truyền thông phương Tây còn loan tin rằng, việc lật đổ Putin sắp xảy ra, và ông sẽ bị thay thế bởi một người dễ bảo hơn.
Và như một hệ quả tất yếu “Nga trở thành một quốc gia tồi tệ”, như lính Nga cưỡng hiếp thường dân Ukraine, rằng đội quân “lính nghĩa vụ” của Nga bị sa sút tinh thần và đào ngũ vì họ mất quá nhiều binh sĩ so với những binh sĩ được huấn luyện và trang bị tốt của Ukraine.
Việc thành phố chiến lược Mariupol và tiếp đến là Soledar thất thủ cũng như việc Bakhmut sắp rơi vào tay người Nga đã làm đường dây tuyên truyền PR của văn phòng Tổng thống Zelensky bị phá vỡ.
Các nhà quan sát đang theo dõi xem liệu người Nga có giáng đòn quyết định tại Ukraine hay không, mặc dù lực lượng Nga có khả năng nhanh chóng nghiền nát lực lượng Ukraine vốn phụ thuộc hoàn toàn vào vũ khí nước ngoài.
Người Nga có thể tấn công nhiều điểm hơn dọc theo tuyến đường chuyển giao vũ khí của phương tây vào Ukraine và có khả năng cắt đứt hoàn toàn tuyến tiếp tế này. Tuy nhiên cần lưu ý là, mối quan tâm của phía Nga ngay từ đầu cuộc chiến là làm mọi cách tránh lôi kéo NATO vào cuộc và tránh bất cứ dạng thức “chiến thắng” theo cách dẫn đến hành động hoảng loạn và tuyệt vọng của NATO.
Trong bối cảnh này, truyền thông dòng chính phương Tây nhận ra rằng mọi thứ đang diễn ra không mấy suôn sẻ đối với Ukraine, và họ buộc phải ra tay giải cứu Ukraine bằng vũ khí ngòi bút trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn.
Việc biến thất bại của Lực lượng Ukraine ở Soledar thành một “chiến thắng” là ưu tiên hàng đầu của các phương tiện truyền thông, khi phương Tây dường như đang cố gắng lồng ghép những mẩu sự kiện thực tế với câu chuyện về chiến thắng giả tạo của Ukraine. Ví dụ như tờ Financial Times giật tít:
Chiến thắng Soledar có thể khiến Nga phải trả giá đắt.
Không có con đường dẫn đến chiến thắng lâu dài của Nga
Tuy nhiên đã có những dấu hiệu cho thấy một số bài báo dường như đang rời xa bộ máy PR của chính quyền Kyiv. Chẳng hạn như hôm 15/1, tờ Washington Post đã giật tít: Cuộc vây hãm Bakhmut đẫm máu gây rủi ro cho Ukraine.
Việc Kyiv yêu cầu binh sĩ Ukraine quyết bám trụ lại các thành phố lớn bằng mọi giá khiến hình thức chiến đấu này gây tổn thất lớn cho phía Ukraine trong khi lực lượng Nga chỉ phải chịu thương vong tối thiểu.
Tổn thất của Ukraine chỉ riêng ở Soledar được cho là rất thảm khốc. Theo hãng Thông tấn Tass, Ukraine đã mất khoảng 25.000 người trong các trận giao tranh giành thành phố Soledar.
Lưu ý là vào tháng 11, bà Chủ tịch EU Ursula von der Leyen đã phải cố rút lại lời nhận xét rằng Nga đã tiêu diệt 100.000 binh sĩ Ukraine. Gần đây hơn, cựu cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đại tá đã nghỉ hưu Douglas Macgrego đưa ra con số tử vong trong lực lượng Ukraine là 150.000 người.
Ngay cả đại sứ Ukraine ở Anh hôm 7/1 cũng thừa nhận trên tờ Newsweek rằng, “Chúng tôi đã tham chiến gần một năm nay. Chúng tôi đang mất đi rất nhiều người. Chúng tôi không công bố có bao nhiêu người trong số những người thiệt mạng là quân nhân hay dân thường, nhưng bạn có thể tưởng tượng rằng con số đó là rất lớn, không thể tiêu hóa được. Và các thành phố, một số trong số đó đã bị phá hủy hoàn toàn.”
“Không có nhiều quốc gia trên thế giới cho phép mình hy sinh nhiều sinh mạng, lãnh thổ và hàng thập kỷ phát triển vì mục tiêu đánh bại kẻ thù không đội trời chung.”
Lưu ý là khi bắt đầu chiến tranh, tổng lực lượng chính quy của Ukraine là khoảng 246.000 người và nếu bao gồm cả quân dự bị là khoảng 700.000 người. Phía Nga dựa trên dựa trên việc chặn sóng điện thoại của đối phương đã ước tính rằng, một số đơn vị chiến đấu của Ukraine hầu hết là người nước ngoài dựa trên cuộc trò chuyện bằng tiếng Ba Lan, tiếng Romania và tiếng Anh.
Tuy nhiên trái ngược hoàn toàn với các cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành, số dân thường thiệt mạng ở phía Ukraine là khá khá thấp.
Hôm 17/1, tờ Hindustan Times cho biết: Hơn 9.000 thường dân, trong đó có 453 trẻ em đã thiệt mạng ở Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.
Tổ chức phi chính phủ Iraqi Body Count cho biết, hơn 170.000 dân thường Iraq và quân nhân chết kể từ khi cuộc chiến Iraq bắt đầu. Giao tranh đã nổ ra vào ngày 20/3/2003 nhằm hạ bệ Tổng thống Iraq khi đó là Saddam Hussein và chính phủ của ông. Cuộc chiến kết thúc vào tháng 12/2011 với việc Mỹ rút hầu hết các lực lượng chiến đấu khỏi Iraq.
Tính ra sau 8 năm Mỹ gây ra cuộc chiến tại Iraq, trung bình mỗi năm có hơn 21.000 dân thường đã bị thiệt mạng.
Có thể bạn quan tâm: