Trung Quốc và Mỹ đều điều tàu chiến vào Biển Đông và Biển Hoa Đông, trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực đang gia tăng khi hàng trăm tàu Trung Quốc xuất hiện tại đá Ba Đầu.
- Điểm tin 6/4: Mẹ bạo hành con đẻ bị khởi tố; Trung Quốc ‘lấy thịt đè người’ ở Biển Đông
- Lực lượng an ninh Ấn Độ bị phiến quân phục kích, hơn 50 người thương vong
Tờ South China Morning Post ngày 5/4 dẫn lời giới chuyên gia cho rằng sự hiện diện cùng lúc của cả Mỹ và Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương dường như báo hiệu nguy cơ xung đột giữa các cường quốc, khi mà Bắc Kinh ngày càng khẳng định các yêu sách hàng hải phi pháp trong khu vực mạnh mẽ hơn, còn Washington tập trung vào chiến lược phòng thủ chống lại Trung Quốc.
Cụ thể, Tổ chức Sáng kiến thăm dò tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI-Trung Quốc) dẫn dữ liệu vệ tinh cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ do tàu sân bay USS Theodore Roosevelt dẫn đầu đã đi qua eo biển Malacca tiến vào Biển Đông hôm 4/4. Tàu khu trục USS Mustin của hải quân Mỹ cũng đang hoạt động ở Biển Hoa Đông và di chuyển gần sông Dương Tử của Trung Quốc hôm 3/4.
Trong khi đó, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã đi qua eo biển Miyako ở phía tây nam Nhật Bản để vào Thái Bình Dương hôm 3/4, bắt đầu cuộc tập trận gần đảo Đài Loan.
Căng thẳng trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương gia tăng
Hoạt động của tàu Liêu Ninh diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc thúc giục Nhật Bản “dừng tất cả động thái khiêu khích” tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa hai nước ở Biển Hoa Đông.
Tokyo đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về Luật hải cảnh mới của Trung Quốc cho phép lực lượng tuần duyên sử dụng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài được coi là xâm nhập trái phép vào vùng biển của Trung Quốc, và sự hiện diện ngày càng tăng của lực lượng tuần duyên Trung Quốc ở vùng biển gần các đảo tranh chấp.
Căng thẳng khu vực cũng đang gia tăng ở Đài loan, nơi Bắc Kinh đã tăng cường các chiến thuật chiến tranh “vùng xám” chống lại hòn đảo trong những tháng gần đây.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết 10 máy bay quân sự của Trung Quốc đã xâm nhập vùng nhận dạng phòng không phía tây nam của Đài Loan hôm 5/4, sau khi máy bay quân sự Y-8 bay gần hòn đảo trong 2 ngày 3 và 4/4.
Trong khi đó, Mỹ đang tiến hành một loạt cuộc tập trận với các đồng minh trong khu vực, bao gồm với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, với Úc ở phía đông Thái Bình Dương và với Ấn Độ ở Ấn Độ Dương.
Ông Ben Schreer, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Macquarie (Úc), nhận định việc tàu sân bay Mỹ đi vào Biển Đông nhằm chống lại các yêu sách của Bắc Kinh tại vùng biển này và để gửi tín hiệu tới các đồng minh của Washington, gồm Philippines, rằng Mỹ là một “đồng minh hiệp ước đáng tin cậy và có năng lực”.
Còn tàu sân bay Liêu Ninh tuần tra ở Biển Hoa Đông nhằm chứng minh các tham vọng của Bắc Kinh về việc sử dụng nhóm tác chiến tàu sân bay để bảo vệ cái gọi là lợi ích lãnh thổ cốt lõi của họ, theo giáo sư Ben Schreer.
“Đó là tín hiệu gửi tới Nhật Bản, Mỹ và các cường quốc khác trong khu vực, rằng hải quân Trung Quốc đang dần phát triển năng lực tàu sân bay, mặc dù hiện tại chưa đạt được”, ông đánh giá.