Các đặc phái viên hàng đầu về hạt nhân của Mỹ đã gặp mặt đồng cấp phía Hàn Quốc tại Washington hôm 18/6, sau khi Triều Tiên tuyên bố có hành động quân sự nhằm vào láng giềng phía Nam.
- Triều Tiên doạ huỷ thoả thuận liên Triều nếu Hàn Quốc không chặn việc phát tờ rơi chống nước này ở biên giới
- Hàn Quốc hỏi ý kiến Mỹ sau khi Triều Tiên dọa cắt liên lạc
- Triều Tiên sẽ triển khai quân đội tại khu vực biên giới liên Triều
Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) cho hay, Lee Do-hoon, đại diện đặc biệt cho các vấn đề hòa bình và an ninh bán đảo Triều Tiên của Hàn Quốc và người đồng cấp Hoa Kỳ, Thứ trưởng Ngoại giao Stephen Biegun, đã có cuộc hội đàm tại một địa điểm giấu kín.
Cuộc gặp không được định trước này diễn ra sau khi Triều Tiên cho nổ tung văn phòng liên lạc liên Triều và đe dọa sẽ tái triển khai quân đội tới các khu vực biên giới để phản đối việc những người đào tẩu từ miền Bắc gửi truyền đơn.
Khả năng cao là ông Lee được phái đi với tư cách là một đặc phái viên của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc. Ông Lee đã từ chối trả lời các câu hỏi của phóng viên về mục đích chuyến thăm và người mà ông gặp.
Các quan chức tham gia đối thoại được cho là gồm Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien và Thứ trưởng Ngoại giao Stephen Biegun, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên.
Trước đó, vào ngày 17/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gia hạn các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên thêm một năm vì hành động gây mất ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Trump thông báo tới Quốc hội Mỹ rằng ông muốn duy trì “tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến Bình Nhưỡng”, gia hạn lệnh trừng phạt Triều Tiên về các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo thông qua sắc lệnh 13466.
Sắc lệnh này được tuyên bố lần đầu tiên vào ngày 26/6/2008. Việc gia hạn tình trạng khẩn cấp cũng là hành động thường lệ của các Tổng thống Mỹ tiền nhiệm. Nếu Tổng thống không gia hạn vào trước ngày 26/6 hàng năm thì sắc lệnh 13466 sẽ tự động chấm dứt trong vòng 90 ngày.
Dưới thời ông Trump, sắc lệnh này đã được mở rộng hơn nữa. Việc gia hạn lệnh trừng phạt lại rơi đúng vào thời điểm bán đảo Triều Tiên đang căng thẳng. Theo nội dung bức thư Tổng thống Trump gửi Quốc hội, “những chính sách và hành động của Triều Tiên gây nguy hiểm cho các lực lượng vũ trang Mỹ, đồng minh, và các đối tác thương mại trong khu vực”.
Sau nhiều lần cảnh báo, vào ngày 16/6, Bình Nhưỡng đã cho phá huỷ văn phòng liên lạc liên Triều ở biên giới tại thị trấn Kaesong vì cho rằng chính phủ Hàn Quốc không ngăn chặn nhóm người đào tẩu khỏi Triều Tiên rải truyền đơn chống phá nước này.
Ông Yoon Do-han, người phát ngôn nhà Xanh của Hàn Quốc cho rằng những chỉ trích của bà Kim Yo-jong, em gái lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là “thô lỗ”. Quân đội Hàn Quốc cũng tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ phải trả giá nếu có hành động quân sự nào nhằm vào nước này.
Ngày 17/6, phái đoàn Hàn Quốc, dẫn đầu là ông Lee Do-hoon, đặc phái viên Hàn Quốc về vấn đề an ninh và hòa bình ở bán đảo Triều Tiên đã có chuyến thăm đến thủ đô Washington (Mỹ).
Cũng trong ngày 17/6, máy bay EP-3E của Hải quân Mỹ và RC-12X của lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc đã xuất hiện ở không phận nước này. Theo một nguồn tin quân sự cho biết.