Chuyên gia: “Tổng giám đốc sắp tới của WHO không thể là con dấu cao su của Bắc Kinh. Nếu các nỗ lực chuyển đổi Tổ chức Y tế Thế giới không hiệu quả, có lẽ Hoa Kỳ không còn cách nào khác là ra đi và làm lại từ đầu”.
Với trích dẫn có tính nhắm thẳng, tác giả Thuỳ My của đài phát thanh quốc tế Pháp đã cuốn hút độc giả vào bài phân tích “Thất lạc ở Bắc Kinh: Câu chuyện của Tổ chức Y tế Thế giới”. Bài viết tổng hợp các nhận định của chuyên gia Trần Nhân Nghi, thành viên Hoover Institution.
Tổ chức Y tế Thế giới – WHO
Theo đánh giá của chuyên gia, Tổ chức Y tế Thế giới không chỉ “thiên Trung Quốc” như tổng thống Trump đã phát biểu hôm 7/4, mà còn đã “nát bét và thỏa hiệp”.
Tổ chức Y tế Thế giới đã lúng túng khi dịch Ebola xảy ra tại Tây Phi năm 2014, khiến trên 11.000 người thiệt mạng. Giờ đây phản ứng của Tổ chức Y tế Thế giới trước đại dịch virus Vũ Hán chứng tỏ tổ chức này đặt chính trị lên trên sức khỏe cộng đồng. Cách Tổ chức Y tế Thế giới thường xuyên ca ngợi lãnh đạo Trung Quốc cho thấy cần phải có cải cách.
Theo số liệu của bộ Ngoại giao Mỹ, Hoa Kỳ là nước đóng góp tài chính nhiều nhất cho Tổ chức Y tế Thế giới. Tính riêng năm 2019 là hơn 400 triệu đô la, còn Trung Quốc đóng chỉ có 44 triệu đô la. Tổng thống Donald Trump đề nghị giữ lại số tài trợ này trong lúc chính quyền Hoa Kỳ giám sát kỹ những gì đạt được. Theo ông Trần, tổng thống Mỹ và Quốc hội cần phải đi xa hơn nữa.
Bằng cách nào Trung Quốc thao túng WHO
Trong khi Washington chi tiền, thì Bắc Kinh đứng sau hậu trường để giựt dây các nhà lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới. Tổng giám đốc hiện nay, Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã được cầm quyền Trung Quốc hậu thuẫn mạnh mẽ trong cuộc chạy đua vào chức vụ này.
Ông Tedros là một chọn lựa gây tranh cãi, với cáo buộc đã che giấu nạn dịch tả tại quê hương Ethiopia tại cương vị bộ trưởng y tế (2005-2012) và sau đó là ngoại trưởng (2012-2016). Thời điểm đó, Trung Quốc “đổ” nhiều tỷ đô vào Ethiopia. Ngay sau khi được bầu làm tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tedros vội đến Bắc Kinh và ca ngợi hệ thống y tế của nước này: “Chúng ta đều có thể học được điều gì đó từ Trung Quốc”.
Dưới sự lãnh đạo của ông Tedros, Tổ chức Y tế Thế giới đã chấp nhận những dối trá về virus Vũ Hán của Trung Quốc, và giúp Bắc Kinh phủi trách nhiệm, thông qua những tuyên bố có vẻ nghiêm túc. Ngày 14/01, trước cả khi phái đoàn chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới đến Trung Quốc, họ đã nhắc lại như vẹt “không có bằng chứng rõ ràng là virus này lây từ người sang người”.
Hai tuần sau đó, ông Tedros đến thăm Bắc Kinh và ca ngợi “tính minh bạch” của các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi Trung Quốc cho biết có hơn 4.500 ca nhiễm virus.
Cả thế giới đều biết Trung Quốc đã đợi đến sáu tuần lễ sau khi những bệnh nhân đầu tiên ở Vũ Hán xuất hiện các triệu chứng, mới bắt đầu cho phong tỏa. Thời gian đó, đương quyền Trung Quốc kiểm duyệt và trừng phạt tất cả những ai cố gắng đưa ra lời cảnh báo, nhắc đi nhắc lại những lời dối trá là con virus không lây từ người này sang người khác.
Tổ chức Y tế Thế giới cuối cùng cũng phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế vào ngày 30/1, sau khi đã xác định được gần 10.000 ca dương tính với virus Vũ Hán.
Ông Tedros chỉ trích việc hạn chế số khách từ Trung Quốc đến Mỹ của tổng thống Donald Trump, và cổ vũ các nước khác không nên theo chân Hoa Kỳ. Tedros nói rằng nguy cơ virus lan ra bên ngoài Trung Quốc là “tối thiểu và rất chậm”.
Mãi đến ngày 11/3, khi con số chính thức đã lên đến 118.000 người tại 114 quốc gia bị nhiễm virus từ Vũ Hán Tổ chức Y tế Thế giới mới chịu tuyên bố đại dịch!
Tổ chức Y tế Thế giới thậm chí còn không thèm đoái hoài khi Đài Loan cho biết kết quả điều tra vào tháng 12/2019, rằng virus Vũ Hán chủng mới có thể lây từ người sang người.
Hoa Kỳ cần hành động
Là quốc gia đóng góp tài chính nhiều nhất cho Tổ chức Y tế Thế giới, Hoa Kỳ có quyền thúc đẩy một sự cải cách triệt để. Quốc Hội nên đặt điều kiện cho mọi tài trợ trong tương lai, Tổ chức Y tế Thế giới phải giải thích cụ thể cho những quyết định về y tế cộng đồng, điều tra nghiêm túc và độc lập khi nạn dịch lan rộng.
Hoa Kỳ cần phải hành động tích cực hơn để thay đổi cung cách làm việc và lãnh đạo ở Tổ chức Y tế Thế giới. Tổng giám đốc sắp tới của Tổ chức Y tế Thế giới không thể là con dấu cao su của Bắc Kinh.
Chuyên gia Trần Nhân Nghi kết luận, nếu các nỗ lực chuyển đổi Tổ chức Y tế Thế giới không hiệu quả, có lẽ Hoa Kỳ không còn cách nào khác là ra đi và làm lại từ đầu.
Thế giới cần có một tổ chức khả tín để đối mặt với những vấn đề sức khỏe cộng đồng xuyên biên giới – nếu không phải là Tổ chức Y tế Thế giới, thì sẽ là một tổ chức khác, mở rộng cho tất cả các nước tôn trọng các tiêu chí cao nhất về minh bạch, quản lý và phối hợp tốt.