Chính quyền Tổng thống Trump nhắc lại cam kết bảo vệ luật pháp quốc tế ở Biển Đông; trong đó có việc Mỹ ủng hộ Việt Nam giữ quyền chủ quyền ở Biển Đông.
Dưới đây là các tin thế giới nổi bật sáng thứ Ba ngày 24/11/2020:
Mỹ ủng hộ Việt Nam bảo vệ quyền chủ quyền ở Biển Đông
Reuters đưa tin, cố vấn Robert O’Brien của Tổng thống Trump hôm 23/11 cam kết Mỹ ủng hộ Philippines và Việt Nam bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông trước mối đe dọa từ Trung Quốc.
Ông O’Brien nói: “Phát biểu nhất quán của tôi ở Việt Nam và Philippines – và tôi nghĩ phát biểu này đã gây được tiếng vang với giới lãnh đạo ở cả hai nước – đó là quyền đánh bắt hải sản, quyền khai thác khoáng sản, quyền khai thác dầu khí trong các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ASEAN là thuộc về các thế hệ con cháu của các quốc gia đó”. (Chi tiết)
Indonesia cử lực lượng hải quân tới gần Biển Đông
Hải quân Indonesia sẽ triển khai lực lượng đặc nhiệm tới quần đảo Natuna ở ngoài rìa Biển Đông, theo hãng tin Anadolu Agency (AA).
Tham mưu trưởng Hải quân, Đô đốc Yudo Margono tuyên bố Lực lượng tác chiến hải quân sẽ di dời từ Jakarta tới thường trú tại Natuna. Ông cho biết động thái này là “để đề phòng điều gì đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.
Quần đảo Natuna thuộc chủ quyền của Indonesia, gồm chuỗi 270 đảo ở phía nam Biển Đông.
Trung Quốc tự ca ngợi phóng thành công tên lửa
Trung Quốc đang tự ca ngợi họ đã phóng thành công một tàu vũ trụ robot vào sáng sớm nay 24/11, theo Reuters.
Trung Quốc đã phóng tàu Long March-5, vào lúc 4:30 sáng theo giờ Bắc Kinh (tức 3:30 theo giờ Việt Nam). Tàu phóng ra từ Trung tâm Phóng Vũ trụ Văn Xương trên đảo Hải Nam, ở phía bắc Biển Đông.
Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) tự tuyên bố vụ phóng đã thành công và nói rằng tên lửa đã bay gần 37 phút trước khi đưa tàu vũ trụ đi theo quỹ đạo dự định.
Giáo hoàng Francis lần đầu tiên nhắc đến cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ
Trong một cuốn sách mới, Giáo hoàng Francis lần đầu tiên đề cập đến việc chính quyền Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ; điều mà các nhà hoạt động nhân quyền đã thúc giục ông làm trong nhiều năm, theo Reuters.
Cuốn sách mang tên “Path to A Better Future” (tạm dịch: Con đường tới tương lai tốt đẹp hơn). Trong đó, Giáo hoàng gọi những người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc là một dân tộc “bị bức hại”.
Reuters cho biết: “Nhiều nhà bình luận nói rằng trước đó Vatican ngần ngại lên tiếng cho người Duy Ngô Nhĩ vì họ đang trong quá trình gia hạn một thỏa thuận gây tranh cãi với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục”.
Thỏa thuận cho phép Vatican công nhận các linh mục do chính quyền Trung Quốc lựa chọn; trong bối cảnh Bắc Kinh vẫn duy trì các cuộc đàn áp những người có đức tin. Theo AFP, thỏa thuận này đồng nghĩa với việc Vatican tiếp tục xích lại gần Trung Quốc; bất chấp lời kêu gọi của Mỹ về việc không triển hạn thỏa thuận này.