Các đội tìm kiếm cứu hộ Indonesia tin rằng họ đã xác định được khu vực tàu ngầm mất tích trong bối cảnh nhà chức trách cảnh báo lượng oxy dự trữ trên tàu đã cạn kiệt vào sáng nay.
- Video: Người Ấn Độ mắc Covid-19 nằm ngủ trên vỉa hè
- Thảm kịch COVID-19 tại Ấn Độ: Người dân tuyệt vọng lên mạng cầu cứu
- Nhật vừa tuyên bố không can dự nếu Trung Quốc tấn công, Đài Loan khẳng định sẽ ‘tự bảo vệ’
Đài CNN ngày 24/4 đưa tin lực lượng chức năng Indonesia đã xác định được khu vực tàu ngầm mất tích với 53 thủy thủ đoàn.
Phát ngôn viên quân đội Achmad Riad cho biết khu vực được khoanh vùng cách đảo Bali khoảng 40km về phía bắc, nơi có vệt dầu loang và vật thể không xác định nghi là của tàu ngầm trên.
Ông Riad nói rằng một tàu hải quân đã phát hiện vật thể có “từ tính cao”, nằm ở độ sâu từ 50 đến 100m. Hải quân Indonesia hy vọng tàu chiến Riguel được trang bị công nghệ sonar kỹ thuật cao, dùng sóng âm để định vị các vật thể, có thể tìm thấy tàu ngầm KRI Nanggala-402.
Trước đó, tàu ngầm KRI Nanggala 402 đã mất liên lạc khi tập trận ngư lôi ở eo biển Bali vào sáng sớm 21/4.
Các tàu với thiết bị kỹ thuật cao khác cũng tham gia tìm kiếm, bao gồm 21 tàu chiến, 1 tàu ngầm và các tàu cứu hộ, cảnh sát của Indonesia.
Bên cạnh đó, nhiều nước trong và ngoài khu vực đã hỗ trợ hoặc đề nghị hỗ trợ Indonesia tìm tàu ngầm. Bộ Quốc phòng Úc cho biết hai tàu chiến nước này đang tham gia nỗ lực tìm kiếm. Trong khi đó, tàu cứu hộ của Malaysia và Singapore dự kiến tới được khu vực tìm kiếm sớm nhất là ngày 24/4. Ấn Độ cho biết đã cử tàu lặn cứu hộ nước sâu tới hỗ trợ.
Mỹ cũng điều các máy bay đến hỗ trợ tìm kiếm, bao gồm 3 chiếc C-17 trang bị xuồng phao và các thiết bị tìm kiếm, cứu hộ dưới nước. Theo Reuters, Mỹ còn điều thêm một máy bay P-8 Poseidon đến hỗ trợ.
Hy vọng cứu thủy thủ tàu ngầm Indonesia mong manh
Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia Yudo Margono cho biết nguồn cung cấp oxy chỉ chỉ đủ dùng trong 72 giờ kể từ khi tàu ngầm mất tích. Thời hạn đó đã trôi qua vào rạng sáng nay khi mà giới chức vẫn chưa thấy tung tích con tàu và 53 thủy thủ đoàn. Trọng tâm của hoạt động giải cứu giờ sẽ chuyển sang trục vớt con tàu gặp nạn.
Giám đốc điều hành Viện Hàng hải Quốc gia Indonesia Siswanto Rusdi nói với The Straits Times khả năng những người sống sót được tìm thấy trên chiếc tàu ngầm bị mất tích ở Bali là rất mong manh.
Trong khi đó, ông Bryan Clark thuộc Viện Hudson (Mỹ), đồng thời là chuyên gia về hoạt động hải quân, nói với Channel NewsAsia hôm 23/4 rằng: “Oxy có thể được tạo ra bằng nến hóa chất trên tàu, nhưng carbon dioxide (CO2) tích tụ có thể khiến thủy thủ đoàn chết ngạt trước khi hết oxy”.
Hải quân Indonesia đang điều tra xem liệu tàu ngầm có bị mất điện và không thể phát tín hiệu khẩn cấp trong khi lặn hay không, vì ước tính tàu đã lặn đến độ sâu khoảng 600-700 m trước khi mất tích.