Các cuộc hòa đàm đổ bể bởi tuyên bố có vẻ phi thực tế của Tổng thống Zelensky, khi “ông trình bày một kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm yêu cầu Nga nhận trách nhiệm và chịu trách nhiệm về các tội ác chiến tranh đã gây ra trên đất Ukraine”.
Trong suốt hai tuần qua, thông tin sốt dẻo về việc hai nhà lãnh đạo tình báo cấp cao của Mỹ và Nga lần đầu tiên gặp nhau sau khi mọi đường dây liên lạc giữa 2 cường quốc gần như bị đóng băng suốt 9 tháng Nga giao tranh tại Ukraine.
Phải chăng cuộc gặp giữa giám đốc tình báo CIA William Burns với Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga Sergei Naryshkin chỉ là nhằm không để xảy ra một cuộc leo thang lớn vượt khỏi tầm kiểm soát và biến thành cuộc chiến tranh hạt nhân. Cho đến nay, không ai biết được nội dung chính xác của cuộc họp này là gì?
Việc Mỹ – Nga nối lại kênh liên lạc là điều cần thiết để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng ngoài tầm kiểm soát và có cơ hội đặt nền móng cho các cuộc đối thoại cấp cao hơn có thể diễn ra trong tương lai.
Công chúng cũng đã kỳ vọng với câu chuyện các bên đang tìm kiếm một kết thúc sớm cho cuộc xung đột.
Nhưng mọi việc đột ngột kết thúc khi các cuộc hòa đàm đổ bể bởi tuyên bố có vẻ phi thực tế của Tổng thống Zelensky, khi “ông trình bày một kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm yêu cầu Nga nhận trách nhiệm và chịu trách nhiệm về các tội ác chiến tranh đã gây ra trên đất Ukraine”.
“Tổng thống Zelensky cũng kêu gọi rút tất cả các lực lượng Nga khỏi lãnh thổ Ukraine – tức là toàn bộ khu vực Donbass và bán đảo Crimea – cũng như thanh toán các khoản bồi thường chiến tranh và đền bù cho sự tàn phá, chết chóc mà Nga đã gây ra”. (politico)
Trong khi ấy, phía Mỹ tuyên bố Ukraine sẽ quyết định về thời gian và nội dung của bất kỳ khuôn khổ đàm phán nào với Nga.
Đương nhiên người Nga sẽ không đàm phán dàn xếp theo các điều khoản của Mỹ/Ukraine, mà chỉ theo các điều khoản của mình. Các điều khoản của Nga sẽ được quyết định bởi sự xuất hiện của hàng chục ngàn binh sĩ mới bắt đầu từ tháng tới, khi Nga có thể mở một chiến dịch quân sự mùa đông.
Các điều kiện để giải quyết theo các điều khoản của Ukraine, chẳng hạn như Nga rút khỏi 4 vùng lãnh thổ mà nước này mới sáp nhập cũng như về bán đảo Crimea, bồi thường thiệt hại, giao nộp các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự cấp cao để truy tố tội phạm chiến tranh… theo ý của Ukraine chắc chắn không có cơ hội xảy ra.
Phải chăng điều đó chỉ càng cho thấy phía Ukraine quá ảo tưởng và NATO thì quá giả tưởng đầy kiêu ngạo?
Quan điểm của NATO, của tình báo Mỹ và Anh luôn cho rằng Nga đang thất bại trong cuộc xung đột quân sự với Ukraine do NATO hậu thuẫn và chịu tổn thất nặng nề trong cuộc chiến kinh tế với phương Tây, dường như mâu thuẫn với lời kêu gọi về một giải pháp thương lượng với Nga của các quan chức cấp cao quân đội Mỹ.
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã lập luận rằng, “bây giờ là thời điểm để đàm phán”, vì theo ông, thực tế là “không có cách nào để Nga giành chiến thắng cũng như để Ukraine giành lại lãnh thổ đã mất”.
Ông tuyên bố: “Vì vậy, nếu giao tranh chiến thuật chậm lại, điều đó có thể trở thành cơ hội — có thể có, cũng có thể không — cho một giải pháp chính trị, hoặc ít nhất là khởi đầu, cho các cuộc đàm phán nhằm khởi xướng một giải pháp chính trị”.
Tuy nhiên, lập trường ủng hộ đàm phán của tướng Milley đã bị nhiều đối tác châu Âu của Mỹ phản đối, mà có lẽ nổi trội nhất chính là Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khi ông này tuyên bố hôm 14/11 trước những người đứng đầu bộ ngoại giao và quốc phòng của Hà Lan:
“Cách duy nhất để đạt được giải pháp cho cuộc xung đột Nga-Ukraine là trên chiến trường. Nhiều xung đột được giải quyết trên bàn đàm phán, nhưng không phải như vậy và Ukraine phải thắng, vì vậy chúng tôi sẽ ủng hộ điều đó cho đến chừng nào còn cần thiết”.
Có vẻ như giờ đây người Nga hoàn toàn đồng ý với quan điểm này của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, rằng cuộc giao tranh sẽ được giải quyết trên chiến trường.
Một ngày sau, vào ngày 15/11, Nga trả lời bằng một cuộc tấn công quy mô lớn chưa từng có vào hệ thống mạng lưới điện Ukraine với 100 quả tên lửa tấn công cùng lúc.
Hiện tại, Nga đang đóng cửa nền kinh tế và xã hội Ukraine bằng cách phá hủy phần lớn mạng lưới điện của Ukraine, đẩy nhiều khu vực của đất nước này chìm trong bóng tối lạnh giá ngay khi mùa đông bắt đầu.
Nga đã ổn định chiến trường, rút lui khỏi địa hình hiểm hóc ở Kherson trong khi chuẩn bị điều động khoảng 50.000 binh sĩ mới được huy động vào tiền tuyến để củng cố hệ thống phòng thủ. Song song đó, Nga vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động tấn công ở Donbass.
Chính tờ Pravda của Ukraine hồi tháng 10 cũng thông tin rằng, “hơn 200.000 người đã gia nhập Lực lượng vũ trang Liên bang Nga dưới hình thức huy động một phần, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu.”
Nếu lực lượng này được điều động đến Ukraine, chính quyền Kiev sẽ không có cách nào đối phó được, vì đã dồn lực lượng quá nhiều vào mặt trận Kherson. Đương nhiên NATO cũng không thể làm gì để có thể ngăn chặn một cuộc tấn công quân sự mùa đông có khả năng xảy ra của Nga.
Phía Nga cũng bác bỏ thông tin tình báo của Anh rằng Nga đang cạn kiệt vũ khí, khi vào ngày 23/11 vừa qua, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev cho biết Lực lượng Nga sẽ không thể cạn kiệt kho dự trữ vũ khí.
Ông Medvedev viết kênh Telegram của mình rằng, “Họ hy vọng vô ích về sự cạn kiệt khả năng của chúng ta. Còn tiếp. Đủ cho mọi người!” khi ông đến thăm doanh nghiệp sản xuất và nghiên cứu quốc phòng, trong đó có cuộc thảo luận về việc tăng cường cung cấp vũ khí cho quân đội.
Vào cuối tháng 3, trong khi Nga tham gia đàm phán với Ukraine với các điều khoản thỏa thuận hòa bình với Kiev, thì đã bị Mỹ và Anh ngăn chặn. Kể từ đó, chiến trường thực địa đã thay đổi hoàn toàn.
Đương nhiên, phía Nga đơn giản là sẽ không bị lôi cuốn vào một cuộc đàm phán phủ nhận những lợi thế mà nước này đã tích lũy được trên chiến trường thực địa lẫn mặt trận kinh tế và hơn thế nữa.
Tính đến thời điểm này, cuộc đàm phán của Nga được cho sẽ diễn ra trên chiến trường.
Giáng đòn diện rộng vào hệ thống lưới điện Ukraine
Vào ngày 23/11, lực lượng Nga đã lặp lại một cuộc tấn công quy mô lớn vào các cơ sở của hệ thống năng lượng Ukraine với 70 quả tên lửa.
Theo chính quyền khu vực và tòa thị chính, không có điện ở các vùng Kyiv, Lviv, Odessa, và Vinnitsa.
Tại khu vực Kiev và Vinnitsa, có báo cáo cho thấy phía Nga đã tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng. Còi báo động đã vang lên suốt cả ngày trên khắp đất nước.
Sản xuất điện hạt nhân cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi “Công ty năng lượng hạt nhân Energoatom của Ukraine cho biết một số tổ máy đã bị đóng cửa tại nhà máy điện hạt nhân Pivdennoukrainsk ở miền nam Ukraine do mất điện trong các cuộc không kích của Nga trên khắp Ukraine.
Công ty năng lượng Energoatom cũng đã thông báo cắt điện khẩn cấp hôm 23/11, có hiệu lực trên tất cả các khu vực của đất nước, trong đó đóng cửa khẩn cấp các tổ máy điện của Nhà máy điện hạt nhân Nam Ukraine.
Chính quyền vùng Khmelnytsky cũng tuyên bố ngắt kết nối nhà máy điện hạt nhân Khmelnytsky khỏi lưới điện. Trong khi đó, nhà máy nhiệt điện Rivne được chuyển sang vận hành khẩn cấp.
Nhà điều hành lưới điện Ukrenergo cho biết việc ngừng hoạt động khẩn cấp đang diễn ra trên khắp đất nước, rằng 70% Ukraine không có điện và tình trạng mất điện sẽ kéo dài ít nhất một ngày và do sương giá, công việc sửa chữa có thể kéo dài hơn.
Tổng thống Zelensky ước tính rằng 10 triệu người Ukraine hiện không có điện do các cuộc tấn công. Tờ The Hill dẫn lời ông như sau: “Có những lần ngừng hoạt động khẩn cấp ngoài những lần ngừng hoạt động theo kế hoạch, ổn định,” “Việc loại bỏ hậu quả của một cuộc tấn công tên lửa khác nhằm vào Ukraine vẫn tiếp tục cả ngày.”
Phát biểu về các cuộc tấn công mới vào thủ đô Kiev, người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine ông Mykhailo Podolyak cho biết, “Một cuộc tấn công lớn mới vào các cơ sở hạ tầng đang được tiến hành.”
Ông mô tả, trích dẫn, ví von các hệ thống phòng không gần đây được mua từ các nước phương Tây như sau: “Trong khi ai đó đang chờ đợi kết quả World Cup và số bàn thắng được ghi, thì người Ukraine đang chờ đợi một điểm số khác – số lượng tên lửa Nga bị đánh chặn. Một cuộc tấn công lớn mới vào cơ sở hạ tầng chúng tôi tin tưởng vào NASAMS, IRIS-T và Lực lượng phòng không.”
Trong khi ấy, thị trưởng Kiev, ông Vitali Klitschko đã cảnh báo rằng, thủ đô Ukraine phải đối mặt với “mùa đông tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II”, sau một loạt các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng khiến nhiều khu vực của thành phố chìm trong bóng tối.
Ông Vitali Klitschko đã đưa ra một thông báo khẩn cấp trên mạng xã hội cảnh báo rằng, các cuộc không kích đang diễn ra của Nga đã “Đánh trúng một trong những cơ sở hạ tầng của thủ đô. Hãy ở trong các khu trú ẩn! Cảnh báo trên không vẫn tiếp tục”. Đáng báo động là thị trưởng Kiev trong một thông điệp tiếp theo hé lộ rằng, các dịch vụ cấp nước đã bị ngừng ở thủ đô Kiev sau các cuộc tấn công lớn của Nga.
“Do pháo kích, nguồn cung cấp nước đã bị đình chỉ trên khắp Kiev. Chúng tôi yêu cầu các bạn dự trữ nước đề phòng”, Thị trưởng Kiev Vitaliy Klitschko viết trên kênh Telegram của mình.
Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên một số khu vực của Ukraine bị mất điện và nước, nhưng đất nước này hiện đang trong giai đoạn cực kỳ nguy cấp, với ước tính khoảng một nửa cơ sở hạ tầng điện quốc gia đã bị hư hại hoặc bị phá hủy hoàn toàn. Nhiệt độ đang giảm nhanh chóng, và thủ đô Kiev đã chứng kiến trận tuyết đầu tiên vào đầu tháng này.
Đây mới là viễn cảnh đáng ngại nhất của Ukraine.
Có thể bạn quan tâm: