Thương hiệu thời trang nổi tiếng H&M ngày 15/9 tuyên bố cắt đứt quan hệ với một nhà sản xuất sợi Trung Quốc vì lo ngại “lao động cưỡng bức” liên quan đến nhóm người thiểu số ở Tân Cương.
Hãng thời trang Thụy Điển khẳng định họ không làm ăn với bất kỳ nhà máy sản xuất may mặc nào trong khu vực và sẽ không tiếp tục sử dụng nguồn cung cấp bông từ Tân Cương, nơi trồng bông lớn nhất Trung Quốc, theo SCMP.
H&M xác nhận có “mối quan hệ kinh doanh gián tiếp với một nhà máy” ở Thượng Ngu, tỉnh Chiết Giang, thuộc Huafu Fashion.
“Mặc dù không có dấu hiệu cho thấy lao động cưỡng bức được sử dụng ở nhà máy Thượng Ngu, chúng tôi vẫn quyết định chấm dứt quan hệ kinh doanh gián tiếp với Huafu Fashion ở mọi cơ sở trong thời gian 12 tháng cho tới khi chúng tôi hiểu rõ hơn về các cáo buộc lao động cưỡng bức”, đại diện H&M cho biết.
Trước đó, một báo cáo của Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Úc (ASPI), công bố hồi tháng 3, chỉ ra rằng H&M là một trong những đơn vị thụ hưởng việc chuyển giao lao động cưỡng bức thông qua mối liên hệ của họ với nhà máy sản xuất sợi nhuộm Huafu ở An Huy, Trung Quốc. Tuy nhiên, H&M phủ nhận có mối quan hệ với nhà máy ở tỉnh này, cũng như các hoạt động của Huafu ở Tân Cương.
Nhà bán lẻ thời trang cho biết họ đã tiến hành điều tra tại tất cả các nhà máy sản xuất hàng may mặc mà họ có quan hệ ở Trung Quốc, để đảm bảo chuỗi cung ứng của mình không dính dáng đến buôn người và lao động cưỡng bức.
Động thái của H&M được đưa ra trong bối cảnh Mỹ công bố hạn chế mới đối với các sản phẩm bông và hàng may mặc từ Tân Cương, Trung Quốc do lo ngại sử dụng lao động cưỡng bức.
Có thể thấy áp lực quốc tế đối với Trung Quốc về các hành động vi phạm nhân quyền tại Tân Cương đang gia tăng. Đầu tuần này, Liên minh châu Âu đã hối thúc Trung Quốc cho phép các quan sát viên độc lập của họ đến Tân Cương, đồng thời ràng buộc yếu tố nhân quyền đối với các thỏa thuận thương mại và đầu tư với Bắc Kinh trong tương lai.