Nhóm G7 đã chính thức khởi động chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu nhằm chống lại sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. G7 là nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới, gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật.
Theo thông báo của Nhà Trắng hôm 26/6, chương trình G7 tìm cách huy động 600 tỷ USD đầu tư để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Không giống như Vành đai Con đường của Trung Quốc, chương trình do G7 đề xuất sẽ cung cấp phần lớn nguồn vốn từ các nhà đầu tư tư nhân.
Các quan chức phương Tây cho rằng dự án Vành đai Con đường của Trung Quốc sử dụng chiến thuật mạnh tay để giăng bẫy nợ với các nước. Trong số các quốc gia đã ký thỏa thuận BRI dài hạn có Afghanistan, Iran và Hungary.
Hoa Kỳ cho biết chương trình do G7 hậu thuẫn sẽ thúc đẩy các khoản đầu tư có trách nhiệm nhằm mang lại lợi ích cho các nước nhận đầu tư. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết G7 đang cung cấp “cơ sở hạ tầng chất lượng, bền vững” và sẽ “lắng nghe chặt chẽ các nước tiếp nhận.”
G7 trước tiên sẽ nhắm vào các quốc gia đang rất cần đầu tư mọi thứ, từ đường bộ đến bến cảng. Những nước này thường vẫn thường dựa vào Vành đai Con đường của Trung Quốc.
Trong số các dự án đầu tiên theo sáng kiến của G7 sẽ là đầu tư trang trại năng lượng mặt trời trị giá 2 tỷ đô la ở Angola; khoản đầu tư 320 triệu đô la để xây dựng bệnh viện ở Bờ Biển Ngà và khoản đầu tư 40 triệu đô la để thúc đẩy thương mại năng lượng khu vực ở Đông Nam Á.
Mục tiêu đầu tư 600 tỷ USD chỉ là mong muốn huy động của các nước G7. Trong khi đó Trung Quốc đã giải ngân và đầu tư rất nhiều bằng tiền mặt. Nhưng điều này không có nghĩa là Trung Quốc có lợi thế thực sự, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.
Quan chức này cũng cho biết nhiều quốc gia từng hợp tác với Trung Quốc tỏ ra hối tiếc và kết luận rằng Bắc Kinh quan tâm đến việc thiết lập quyền lực của mình hơn là giúp họ phát triển. Ngược lại, chương trình G7 sẽ cung cấp các khoản đầu tư “có tác động lâu dài” đến nền kinh tế và người dân của các nước.