Cho tới nay, các biện pháp trừng phạt năng lượng Nga của Mỹ và EU gần như đều không phát huy tác dụng, nếu không muốn nói là phản tác dụng và thất bại. Một lần nữa, lệnh trừng phạt dầu thô Nga của EU sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12 tới.
Nguy cơ thất bại khi áp giá trần dầu Nga
Bất kể ai là người mua cuối cùng, gần như tất cả số dầu đó trước tiên phải qua tay các thương nhân, công ty vận chuyển và công ty bảo hiểm có trụ sở tại Châu Âu hoặc Vương quốc Anh.
Một lệnh cấm vận hoàn toàn của EU có thể cắt đứt 10% nguồn cung dầu toàn cầu chỉ sau một đêm, với những hậu quả tàn khốc có thể xảy ra đối với nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên người Nga có thể vẫn sống khỏe vì nếu không bán được dầu cho EU thì họ bán lại cho Trung Quốc, Ấn Độ và những người mua khác đang khao khát dầu của Nga với giá chiết khấu cao.
Để ngăn chặn điều đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nghĩ ra một biện pháp , đó là áp giá trần dầu Nga. Các chủ hàng và công ty bảo hiểm châu Âu giờ đây sẽ được phép bỏ qua lệnh cấm vận nếu họ đồng ý chỉ giao dịch với dầu của Nga dưới mức giá quy định cho mỗi thùng.
Về lý thuyết, mức giá đó phải đủ cao để Nga vẫn được khuyến khích khoan, nhưng thấp hơn nhiều so với giá trị thị trường để Nga không còn kiếm được lợi nhuận từ năng lượng.
Tuy nhiên các cuộc đàm phán vào ngày 23/11 vừa qua, các đại sứ EU đang xem xét đề xuất mức giá trần từ 65 đến 70 USD/thùng. Điều đáng nói là, mức giá trần này tương đương với mức giá dầu thô mà Nga đang bán trên thị trường.
Ole Hansen, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo cho biết: “Mức trần giá 65-70 USD đối với dầu của Nga sẽ không có ý nghĩa gì nhiều khi xét đến mức chiết khấu mà dầu Urals hiện đang bán ra”.
Trước đó, các thành viên EU đã thảo luận về việc thiết lập mức giá trần trong khoảng từ 40 đến 60 USD một thùng, trong khi Ba Lan cho rằng mức giá trên vẫn cao và đề xuất mức giá 20 USD/thùng.
Việc EU xem xét đề xuất mức giá trần từ 65-70 USD/thùng được cho là một chiến thắng của người Nga, đồng nghĩa lệnh trừng phạt áp giá trần chỉ mang tính biểu tượng.
Trớ trêu thay, tờ bloomberg cho biết, “chỉ vài ngày trước khi Mỹ và Châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với năng lượng của Nga và được cho là đòn trừng phạt mạnh nhất cho đến nay – Moscow đã nâng sản lượng dầu của mình lên mức cao nhất kể từ khi tấn công Ukraine”.
Người Nga đã nhiều lần nói rõ rằng, họ sẽ không bán dầu cho các quốc gia nào nếu áp theo giá trần của Mỹ và EU. Trong nỗ lực trừng phạt Nga, Mỹ và EU muốn hạn chế giá dầu của Nga ở mức càng thấp càng tốt. Nhưng họ không nghĩ tới phương án giá dầu sẽ càng tăng cao hơn nếu Nga hạn chế nguồn cung dầu đối với bất kỳ quốc gia nào đồng ý với mức trần giá như người Nga đã cảnh báo.
Có thể nói, động thái mới nhất áp giá trần dầu Nga của châu Âu dường như có nguy cơ thất bại. Trong khi ấy, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin dưới thời chính quyền Donald Trump đã chỉ trích đề xuất giới hạn giá này của chính quyền Biden là “không những không khả thi, mà còn là ý tưởng lố bịch nhất” mà ông từng nghe nói đến.
EU rối bời: 27 quốc gia phản đối mức giá trần khí đốt
Bên cạnh áp giá trần dầu thô Nga, giới lãnh đạo EU cũng có vẻ lo lắng về mức trần giá mới được đàm phán trong tuần này đối với khí đốt tự nhiên. Nhập khẩu khí đốt từ Nga không bị cấm vận ở EU, tuy nhiên nguồn cung đã bị cắt giảm đáng kể như một phần trong chiến lược trả đũa của Nga, làm tăng hóa đơn điện và sưởi ấm gia đình trên khắp châu Âu.
Mức giá trần khí đốt mới có ý nghĩa như một biện pháp bảo vệ người tiêu dùng. Các cơ quan quản lý sẽ ngăn không cho giá khí đốt tăng cao hơn, nhằm hạn chế cú sốc đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp. Tuy nhiên mức giới hạn được đề xuất là 275 euro/MWh vẫn được cho là cao hơn nhiều so với mức giá trước khi xung đột Ukraine xảy ra.
Điều đáng nói là tất cả 27 quốc gia thành viên EU hôm 23/11 đã bày tỏ sự không đồng tình với đề xuất của cơ quan điều hành EU về việc hạn chế giá khí đốt ở mức 275 euro/MWh, theo rmx.news.
Sau nhiều tháng đấu đá nội bộ trong khối, Ủy ban châu Âu đã đề xuất mức trần trước cuộc họp hôm 24/11 của các bộ trưởng năng lượng về các biện pháp khẩn cấp mới nhất của khối nhằm giảm bớt khủng hoảng năng lượng khi mùa đông sắp đến.
Đề xuất này đã vấp phải sự chỉ trích từ những người ủng hộ can thiệp thị trường, nhằm hạ giá năng lượng đang tăng chóng mặt, vốn đã đạt mức cao kỷ lục vào tháng 8 sau khi Nga cắt giảm nguồn cung sau các lệnh trừng phạt của EU đối với việc Nga tấn công Ukraine.
Có tới 15 quốc gia EU kêu gọi giới hạn giá mạnh mẽ. Trong số đó, Bỉ, Ba Lan, Ý và Hy Lạp đã đe dọa sẽ chặn các biện pháp năng lượng tiếp theo nếu giới lãnh đạo EU không có kế hoạch hành động để ngăn chặn giá quá cao.
Tuy nhiên, ở phía bên kia, có một phe nhỏ hơn nhưng cực hùng mạnh, dẫn đầu là Đức, nền kinh tế lớn nhất EU. Cùng với Hà Lan, Thụy Điển và Phần Lan, nhóm này lập luận rằng, mức giá trần sẽ thúc đẩy các nhà cung cấp bán ở nơi khác và giảm động cơ cắt giảm tiêu thụ khí đốt.
Có thể nói, người Nga đang thảnh thơi quan sát một EU ngổn ngang với trăm mối tơ vò. Tất cả đều nảy sinh phần lớn từ các lệnh trừng phạt năng lượng thiếu lý trí của các nhà lập pháp EU nhằm vào Nga.
Trong khi châu Âu đang vật vã cai nghiện năng lượng của Nga và vẫn phải chật vật đi tìm các đối tác mới thay thế nguồn cung dầu khí giá rẻ, thì Nga ung dung mở một tuyến đường mới để cung cấp dầu tới các đối tác đang khát nhiên liệu tại châu Á.
Con đường tơ lụa ở Bắc Cực
Các biện pháp trừng phạt năng lượng của phương Tây đối với Nga càng giúp Moscow nhanh chóng thúc đẩy chuyến đi thứ hai kể từ năm 2019 của một tàu chở dầu đi qua Vòng Bắc Cực về phía Trung Quốc.
Đây được cho là một tuyến đường cực kỳ hiệu quả và được mệnh danh là ‘Con đường Tơ lụa Bắc Cực’, có thể cách mạng hóa dòng chảy thương mại năng lượng từ Nga sang châu Á bởi vì nó rút ngắn một nửa thời gian so với quãng đường khởi hành từ các cảng Baltic của Nga thông qua kênh đào Suez.
Dữ liệu theo dõi tàu do Bloomberg tổng hợp cho thấy Vasily Dinkov – một con tàu chở dầu thô chuyên dụng phá băng đã khởi hành từ Murmansk, một thành phố ở tây bắc nước Nga, ngoài khơi biển Barents.
Con tàu này đã đi qua bờ biển phía bắc của Nga từ ngày 27 tháng 10 đến ngày 4 tháng 11 và đi vào eo biển Bering vào ngày 5 tháng 11. Eo biển này nằm giữa Thái Bình Dương và Bắc Cực, ngăn cách Alaska và Nga.
Sau đó, tàu Vasily Dinkov đã rời Bán đảo Kamchatka của Nga và điểm đến cuối cùng của nó là cảng Rizhao của Trung Quốc vào ngày 17/11.
Tờ Bloomberg cho biết: “Hành trình này là con đường ngắn nhất giữa châu Âu và Đông Á, chỉ mất một nửa thời gian để đến Trung Quốc từ các cảng Baltic của Nga so với tuyến đường thông thường qua kênh đào Suez”.
Lưu ý là, Nga là chủ sở hữu đội tàu phá băng lớn nhất thế giới, có thể đi xuyên qua vùng biển Bắc Cực, dọn đường cho tàu thuyền đi qua các tuyến đường phía bắc.
Chuyến hàng dầu thô đầu tiên qua Tuyến đường biển phía Bắc diễn ra vào năm 2019. Đây là chuyến hàng thứ hai của Nga vận chuyển dầu thô sang Trung Quốc bằng tuyến đường mới đầy hiệu quả này.
Và khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga nhằm điều chỉnh lại chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu, Nga sẽ có lợi thế hơn thông qua tuyến đường Bắc Cực trong việc gửi các sản phẩm dầu thô tới châu Á một cách nhanh chóng.
Thực tế là, Nga đang thắng trên mọi mặt trận, từ chiến trường thực địa cho đến mặt trận kinh tế đối đầu với Mỹ và EU.
Có thể bạn quan tâm: