Nhiều người tiêu dùng tỏ ra khá lo lắng đối với loại mít bị khoét trên đầu, bôi chất trắng bởi không rõ mục đích của người bán là gì và có ảnh hưởng tới sức khỏe con người hay không?
Hiện tại, phía Trung Quốc siết chặt biên giới để phòng dịch Covid-19 khiến hàng nghìn xe container ùn ứ. Để gỡ vốn, nhiều thương lái đã mang các loại trái cây, trong đó có mít quay về thị trường nội địa bán.
Tuy nhiên, một bộ phận người tiêu dùng tỏ ra khá lo lắng khi mít bị vạt đầu, bôi một chất màu trắng lên trên. Thậm chí, có những luồng thông tin cho rằng mít bị khoét đầu là để “bôi hóa chất” cho múi vàng, ngọt… Nhưng thực tế có đúng như vậy?
Trao đổi với báo Dân trí, anh Ngô Đức Thọ, chủ một chuỗi cửa hàng nông nghiệp sạch ở Hà Nội, nhận định, mít xuất khẩu đa phần là hàng ngon, quả tròn, đẹp và thường nặng cân.
Tuy nhiên, mít là loại quả không dễ nhìn hình thức bên ngoài mà đoán đúng hết chất lượng bên trong. Thậm chí, những “thợ mít” lành nghề cũng chỉ dám chắc 80% chất lượng quả thông qua việc nhìn và kiểm tra bên ngoài do mít hay bị xơ đen phía trong. Và để xem xơ mít có bị đen không, cách duy nhất là khoét “thăm” trên quả. Nhằm tránh cho mít bị nhiễm khuẩn hay vi khuẩn thâm nhập, anh Thọ cho biết, cách đơn giản nhất là bôi vôi. “Chất màu trắng” trên phần bị khoét của quả mít cũng chính là vôi.
Còn với thông tin mít bị khoét đầu để bôi thuốc, hóa chất kích chín, anh Thọ cho hay: “Nếu để kích chín, để thuốc thì người ta không cần phải vạt đầu mà dùng xi lanh chọc thẳng vào cuống hoặc ngâm quả vào dung dịch, chứ cần gì phải vạt đầu”.
Anh Thọ nhấn mạnh, hiện nay, tiêu chuẩn nhập khẩu của Trung Quốc rất cao, đồng nghĩa với việc hàng hóa phải có chất lượng tốt, đảm bảo. Thế nên, trước khi mua hàng, người tiêu dùng tìm hiểu thông tin là đúng, là cần thiết nhưng mọi người cần chọn lựa những thông tin chính xác, có căn cứ rõ ràng và tránh tâm lý lo lắng, hoang mang.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, với vai trò là một người nông dân, vừa trồng mít Thái vừa phân phối cây giống với hơn 10 năm gắn bó với các loại giống cây trồng, anh Trần Văn Thanh Dũng, ở ấp Long Vinh (Bến Tre) cho biết được báo Dân Việt đăng tải, cách vạt đầu như vậy thực chất là để kiểm tra chất lượng quả mít để định giá mít thuộc loại 1, loại 2 hay loại 3.
“Khi thu mua, thương lái sẽ cắt một góc vuông trên đầu, gần với cuống quả mít để kiểm tra độ già của quả mít, kiểm tra độ to và dày của múi mít, kiểm tra màu sắc và bên trong quả mít có bị xơ đen hay không. Bởi vì, mít Thái là giống mít cho năng suất và chất lượng cao nhưng lại rất dễ bị xơ đen”, anh Dũng cho hay.
Khi mít Thái bị xơ đen sẽ bị lép múi, sượng, nhanh hỏng và không có vị ngọt thơm đặc trưng nên chuyển sang hàng loại với giá trị thấp. Hơn nữa, khi vạt đầu thấy mít vẫn non, thương lái cũng sẽ không mua.
Về chất trắng bôi vào chỗ vạt đầu, ông Dũng khẳng định đó là vôi tôi (hay còn gọi là vôi ăn trầu) được bôi để ngăn việc xâm nhập của vi khuẩn qua vết cắt.
Dẫn chứng từ bản thân mình, ông Dũng cho biết, gia đình ông vẫn đang xuất khẩu mít sang Trung Quốc. Quả mít từ lúc hái đến khi qua đến Trung Quốc là tầm 7 ngày, chưa kể đến các khâu phân phối khác nên thúc chín là chuyện bất hợp lý, trái chín sẽ không thể bán kịp. Vì thế, không có chuyện người dân bơm thuốc thúc chín.