Site icon Tin360

Biển Đông: Đức chính thức lên tiếng và công bố kế hoạch hiện diện ở vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Duc-hien-dien-o-Bien-Dong

Liệu Thủ tướng Đức sẽ sớm hiện diện ở các cuộc đàm phán về Biển Đông (Ảnh minh hoạ từ Wikimedia)

Lần đầu tiên, đại diện của 3 nước là Anh, Pháp và Đức cùng đưa lên Ban thư ký Liên Hiệp Quốc tại New York công hàm về tự do hàng hải ở Biển Đông. Công hàm được gửi vào ngày 16/09/2020 vừa qua chống lại các yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc về Biển Đông. Đáng chú ý là sự có mặt của Đức, một quốc gia trụ cột trong Liên minh châu Âu khi có mặt trong công hàm này cho thấy một thay đổi quan trọng trong ngoại giao của Đức với châu Á và Trung Quốc.

Công hàm mạnh mẽ của Đức – Anh – Pháp phản đối Trung Quốc về yêu sách trên Biển Đông

Viết trong công hàm, 3 quốc gia châu Âu này đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc qua ngôn ngữ ngoại giao, tuyên bố “không quốc gia lục địa nào có quyền coi các quần đảo và các cấu trúc trên biển như một tổng thể để nêu ra chủ quyền pháp lý” về vùng biển này.

Đồng thời đã nhắc lại phán quyết của Tòa Trọng tài vào tháng 7/2016 theo đơn kiện của Manila, đã bác bỏ yêu sách và tuyên bố chủ quyền (đường chín đoạn) của Bắc Kinh ở Biển Đông. Công hàm cũng nhắc lại yêu cầu của Malaysia vào tháng 12/2019 muốn có lời giải thích về thềm lục địa ở vùng biển Đông Nam Á.

Công hàm của 3 nước này cho biết vấn đề mà 2 nước thuộc khối Asean nêu ra là để khẳng định cơ sở pháp lý cho họ trong việc phản đối yêu sách chủ quyền ‘đường chín đoạn’ mà Trung Quốc nói là dựa vào ‘quyền có từ lịch sử hàng nghìn năm’ của họ để đòi chủ quyền gần hết Biển Đông.

Đức lần đầu muốn can dự vào Ấn độ dương – Thái Bình Dương, mà cụ thể là Biển Đông

Theo BBC, từ trước đến nay, quân đội Đức hiện diện chủ yếu ở Địa Trung Hải chứ không vươn tới Châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng vào 2/9 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Đức, Heiko Maas, lần đầu công bố văn bản chính thức mang tựa đề “Đức – Châu Âu – Châu Á”, đề cập đến sự hiện diện của Đức ở các vùng biển xa.

Ông Maas nhấn mạnh rằng các tuyến hàng hải, thương mại lớn của thế giới đi qua Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và cụ thể là Biển Đông phải được bảo vệ về mặt pháp lý theo tiêu chuẩn tự do hàng hải. Đề cập đến sự chuyển hướng của Đức, vào ngày 2/9 vừa qua tại Berlin, ông Maas nói: “Chính trị Phương Tây còn nằm cả ở Phương Đông. Chúng ta muốn gửi ra thông điệp rõ ràng: ưu tiên ngoại giao của Đức nằm ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Ông bổ sung: “Vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thực sự quan trọng với chúng ta, không chỉ với Đức, mà với các nước châu Âu. Đây là lý do chúng ta đang cộng tác với các đối tác của EU để đưa ra một chiến lược chung của châu Âu về Ấn Độ – Thái Bình Dương dựa trên các nguyên tắc và giá trị của chúng ta”.

Sau Pháp, Đức là quốc gia EU thứ nhì chọn sự ủng hộ chiến lược an ninh này, vốn là một chiến lược được Hoa Kỳ và các đồng minh chủ chốt trong vùng như Nhật Bản, Úc đề xuất và được đối tác Ấn Độ nhiệt tình ủng hộ.

Thời gian qua, trang web của Bộ Ngoại giao Đức vừa điểm lại toàn bộ sự hiện diện văn hóa, kinh tế của Đức trong khu vực Châu Á, cập nhật thông tin về ngoại giao, thương vụ, cơ sở dạy tiếng và truyền bá văn hóa ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và các nước khác.

Trên thực tế, tuy không công bố rầm rộ nhưng Đức đã quan tâm đến Biển Đông từ một thời gian qua. Vào ngày 14/01/2020, tờ The The Diplomat đăng tải thông tin rằng hải quân Đức đã cử một sĩ quan tham dự chuyến đi bảo vệ tự do hàng hải của tàu Pháp ở vùng biển châu Á.

Nhận định của chuyên gia Đức về tình hình Biển Đông

Báo Quốc tế cũng đưa tin Tiến sỹ Gerhard Will, cựu chuyên gia của Viện Khoa học và Chính trị Đức (SWP) đã đưa ra nhiều đánh giá về tình hình Biển Đông.

Ông Gerhard cho rằng Trung Quốc đang cư xử theo kiểu nước lớn và sử dụng quyền lực chính trị một cách liều lĩnh nhằm đạt được vị trí thống trị tại khu vực này. Giới lãnh đạo Trung Quốc đánh giá quá cao sức mạnh của họ trong khi Trung Quốc chưa có đủ tiềm lực kinh tế hay quân sự, cũng như không có đủ quyền lực mềm để thuyết phục các nước khác về chủ quyền của họ tại Biển Đông.

Tiến sĩ Gerhard Will nhận xét rằng quan hệ ngoại giao kiểu mà Trung Quốc mong muốn không còn phù hợp với giai đoạn này nữa. Ở cấp độ khu vực và quốc tế, Trung Quốc đang phải chịu sự phản đối ngày càng gia tăng. Bắc Kinh đang nỗ lực thoát khỏi các phản đối này bằng các phương tiện kinh tế. Tuy nhiên, ông Gerhard Will cho rằng sự tự tin và hiếu chiến đang gia tăng của Trung Quốc không phải là một chiến lược tốt đưa họ thoát khỏi sự cô lập.

Nhận định rằng những gì Trung Quốc làm đang gây nguy hại cho an ninh của cả khu vực và thế giới, Tiến sĩ Gerhard Will cho rằng điều quan trọng là phải mở kênh đối thoại ngoại giao với Trung Quốc, đồng thời duy trì lập trường rõ ràng trên bình diện kinh tế và quân sự. Ông nói rằng ở phương diện này, EU có thể đóng vai “trọng tài”.

Với vị thế là một quốc gia trụ cột trong Liên minh Châu Âu, rất có thể Đức sẽ có vai trò rõ nét trong việc xuất hiện ở khu vực Biển Đông.