Bắc Kinh, thành phố 21 triệu dân của Trung Quốc lần thứ hai phải yêu cầu đóng cửa sân bay, toàn bộ trường học và yêu cầu người dân không ra khỏi thành phố sau khi ổ dịch corona virus mới bùng phát.
- Cập nhật sáng 19/6: Bắt được phạm nhân vượt ngục Triệu Quân Sự
- Cập nhật: Tàu kiểm ngư bám đuổi tàu khảo sát Trung Quốc xâm phạm biển Việt Nam
- Cập nhật trưa 18/6: Gần 1.000 người Trung Quốc sắp vào Việt Nam; Phát hiện 5 kháng thể chống được Covid-19
Theo báo chí chính thức Trung Quốc, hai sân bay quốc tế của Bắc Kinh đã hủy hơn một ngàn chuyến bay sau khi đại dịch coronavirus tái bùng phát ở thủ đô của đất nước hơn 1 tỷ dân này. Chính quyền thành phố cho biết đã có thêm 31 người bị nhiễm Covid-19 từ ngày 16/06 đến 17/07, nâng tổng số ca nhiễm mới lên 137 người kể từ khi phát hiện ổ dịch mới vào ngày 12/6.
Đối diện về một làn sóng dịch thứ hai, chính quyền thủ đô Bắc Kinh đã kêu gọi 21 triệu dân nên tránh ra khỏi thành phố nếu không thật sự cần thiết. Các trường học bị đóng cửa và các lệnh cấm du lịch, những người có “nguy cơ cao” cũng bị cấm rời khỏi thành phố.
Tất cả các địa điểm thể thao và giải trí trong nhà ở Bắc Kinh đã được lệnh đóng cửa vào hôm 16/6. Những người từ thủ đô Bắc Kinh đến thành phố khác sẽ bị cách ly. Các dịch vụ taxi và đi xe chở hành khách bị cấm ra khỏi thành phố.
Các biện pháp này được áp dụng nhằm ngăn chặn ổ dịch mới cực kỳ nghiêm trọng bùng phát lần thứ 2, gây ra một cú sốc lớn đối với người dân Bắc Kinh, vì ai cũng nghĩ là Trung Quốc đã khống chế được dịch virus corona và trong suốt hai tháng ở thủ đô Bắc Kinh đã không có ca nhiễm mới và cuộc sống đã trở lại gần như bình thường.
Theo Dailymail, vào ngày 17/6, Bắc Kinh đã báo cáo 27 ca nhiễm mới từ ổ dịch chợ Tân Phát Địa, do có các trường hợp nhiễm mới đã tăng đột biến trong những ngày gần đây. Bắc Kinh đã phải xét nghiệm 90.000 trường hợp mỗi ngày. Ủy ban Y tế Quốc gia cũng báo cáo 4 ca nhiễm mới ở tỉnh Hà Bắc và 1 ca nhiễm ở tỉnh Tứ Xuyên có liên quan tới các ca nhiễm ở Bắc Kinh.
Người dân Trung Quốc lo ngại rằng một làn sóng bùng phát dịch Covid-19 thứ hai sắp xảy ra ở quốc gia này. Quản lý chuỗi cửa hàng tạp hóa Shuguoyan, Zhao Honglei nói với tờ AFP “Mọi người lo ngại rằng nó có thể bùng phát tại các cửa hàng hoặc họ có thể bị nhiễm bệnh”.
Vào ngày 15/6, tại một cuộc họp báo về phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19, ông Từ Hòa Kiến (Xu Hejian), người phát ngôn của chính quyền thành phố Bắc Kinh cho biết,”tình hình dịch bệnh ở thủ đô cực kỳ nghiêm trọng”. Theo kết quả phân tích xét nghiệm coronavirus ở các khu vực dân cư trọng điểm thì đợt bùng phát lần này ở Bắc Kinh có liên quan rất lớn đến chợ nông sản Tân Phát Địa.
Phó giám đốc khoa sinh học mầm bệnh tại Đại học Vũ Hán – Yang Zhanqiu – nói với truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng đợt dịch mới này ở Bắc Kinh liên quan đến một chủng virus có sức truyền nhiễm mạnh hơn so với đợt bùng phát ở Vũ Hán vào cuối năm 2019.
Theo Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc, nhà virus học Yang Zhanqiu tin rằng chủng mới có thể gây lây nhiễm nhiều hơn vì số lượng lớn các trường hợp nhiễm mới được phát hiện trong một khoảng thời gian ngắn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ quan ngại về quy mô của cụm dịch này tại Bắc Kinh.
Thứ 7 tuần trước, ông chủ chợ Tân Phát Địa nói với các phóng viên rằng, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy dấu vết của virus Covid-19 trên chiếc thớt dùng để cắt cá hồi nhập khẩu. Chính quyền Trung Quốc hiện tìm cách đổ lỗi nguyên nhân của đợt bùng phát này do nhập ‘cá hồi châu Âu’. Tuy nhiên, có những thương nhân lên tiếng rằng cá hồi bán ở chợ Tân Phát Địa đều là nguồn hàng trong nước.
Cũng trong ngày 15-6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói rằng hiện không chắc chắn về nguồn gốc của ổ dịch mới ở thủ đô Bắc Kinh trong bối cảnh truyền thông Trung Quốc loan tin virus Covid-19 được phát hiện trên thớt thái cá hồi nhập khẩu tại chợ Tân Phát Địa.
Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với một vấn đề vô cùng khó khăn, vừa phải khôi phục nền kinh tế đang bị suy thoái do tác động nặng nề của đợt dịch lần thứ nhất và tiếp tục phải ứng phó với làn sóng bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 2, Năm 2020, lần đầu tiên Bắc Kinh đã không đặt mục tiêu tăng trưởng GDP sau nhiều thập kỷ.