Site icon Tin360

Ba “không nên” với mộc nhĩ có thể biến thành thuốc độc?

Ba "không nên" với mộc nhĩ có thể biến thành thuốc độc?

Ảnh minh hoạ dẫn từ iaslinks.org.

Mặc dù mộc nhĩ là thực phẩm lành tính và mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, nhưng cũng có lúc nó gây họa vì sự chủ quan hoặc chưa hiểu biết của chính bạn. Đặc biệt ba “không nên” với mộc nhĩ trong bài viết dưới đây.

Không nên ngâm mộc nhĩ bằng nước nóng

Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào – Phó khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Thanh Nhàn – Hà Nội) cho biết trên tờ Khám Phá, mộc nhĩ thường mọc ở các thân cây khô, gỗ mục, ẩm ướt nên có tỷ lệ gặp nấm mốc rất cao. Ngoài ra, trong quá trình sơ chế, bảo quản cũng có thể bị nấm mốc xâm nhập, cho nên việc chế biến trước khi nấu là rất quan trọng.

Bác sĩ Đào khuyên mọi người không nên dùng nước nóng để ngâm mộc nhĩ, mà nên ngâm bằng nước lạnh và rửa dưới vòi nước. Ngâm bằng nước lạnh mộc nhĩ sẽ nở dần ra, trong quá trình đó nếu ngâm được lâu trong nước thì các loại nấm mốc cũng được hòa tan.

Ảnh minh hoạ (nguồn: Chụp màn hình Youtube).

Trường hợp ngâm mộc nhĩ bằng nước sôi, mộc nhĩ sẽ nở nhanh, không có nhiều thời gian để thẩm thấu dần như nước lạnh khiến các loại nấm mốc không kịp hòa tan trong nước.

Ngoài ra, khi chế biến mộc nhĩ ngâm với nước sôi sẽ bị nhũn, dính, không giòn, không dễ bảo quản, cất giữ.

Không nên dùng mộc nhĩ đã ngâm quá lâu

Mộc nhĩ khi ngâm vào nước sẽ giúp hòa tan độc tố và làm cho thực phẩm an toàn hơn. Nhưng, ngâm quá lâu sẽ khiến mộc nhĩ biến chất, có nguy cơ gây ngộ độc.

Sina đưa tin được tờ VietNamNet đăng tải, vào ngày 27/7/2018, có ba mẹ con sống tại Kim Hoa, Chiết Giang phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đang bụng, nôn ói, chóng mặt sau khi ăn mộc nhĩ ngâm trong nước 2 ngày 2 đêm.

Sau khi bệnh viện kiểm tra đã phát hiện cả 3 mẹ con đều bị tổn thương gan, suy gan ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, người mẹ và cậu con trai út do ăn ít nên tình trạng ngộ độc nhẹ và không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chỉ có con gái lớn tên Văn Văn, năm nay 7 tuổi toàn thân xuất hiện vàng da, chức năng gan bị tổn thương nghiêm trọng. Đặc biệt tình trạng bệnh của Văn Văn phát triển rất nhanh thành suy gan, các cơ quan khác trong cơ thể cũng bị tổn thương ở các mức độ khác nhau.

Ảnh dẫn từ VietNamNet.

Cho biết tại sao mộc nhĩ đen lại có thể biến thành thuốc độc? Bác sĩ Phó Kiến Quân, trưởng Khoa Lây nhiễm của Bệnh viện trung tâm Thành phố Tây An nói rằng: “Đây là một ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn điển hình. Lý do tại sao nó được gọi là ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn, là vì mộc nhĩ đen ngâm sau một thời gian dài, sẽ xuất hiện tình trạng bị biến chất, do chất đạm bị thủy phân cũng giống như thịt để lâu bị thối, khiến cho vi khuẩn dễ tấn công, gây ra nhiễm khuẩn”.

Trưởng khoa Phó cũng cho biết, thời gian ủ bệnh ngộ độc mộc nhĩ ngâm thường là từ nửa ngày đến một ngày, bệnh nhân nhẹ chỉ có các triệu chứng của đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy. Các triệu chứng nghiêm trọng có thể xuất hiện vàng da, chức năng gan bị suy yếu.

Theo bác sĩ Phó Kiến Quân: “Nếu ăn mộc nhĩ đen thì yêu cầu mọi người phải ngâm, ngâm xong thì phải sử dụng luôn, hoặc có thể cất vào ngăn mát tủ lạnh sẽ tương đối an toàn. Cảnh báo không được ngâm mộc nhĩ đen qua đêm.

Một khi thấy cơ thể không thoải mái sau khi ăn mộc nhĩ ngâm, kiến nghị mọi người phải nhanh chóng đến bệnh viện, đồng thời phải nói rõ cho bác sĩ biết bản thân đã phải thực phẩm gì, điều này rất quan trọng, bởi giúp bác sĩ nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, để có phương án điều trị kịp thời”.

Không nên ăn mộc nhĩ tươi

Không nên ăn mộc nhĩ tươi, vì khi còn tươi mộc nhĩ có chứa chất morpholine nhạy cảm ánh sáng, nếu sau khi ăn mộc nhĩ tươi mà cơ thể tiếp xúc với ánh sáng có thể làm cho da bị ngứa, phù nề, trường hợp trầm trọng còn dẫn đến hoại tử da.

Với mộc nhĩ sau khi phơi khô, chất cảm quang và độc tính cũng mất đi, ăn vào không còn nguy hại nữa.

Ngoài ra, khi chế biến, cần nấu mộc nhĩ và thức ăn chín kỹ hoàn toàn, sau đó mới được sử dụng. Tuyệt đối không ăn mộc nhĩ khi mới chín tới.