Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) ngày 15/9 tuyên bố 12 người Hồng Kông bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ hôm 23/8 là tội phạm bị truy nã, chứ không phải “các nhà hoạt động dân chủ bị đàn áp”.
Nhóm 12 người Hồng Kông, tuổi từ 16 đến 33, bị tuần duyên Trung Quốc bắt vào ngày 23/8 vì nghi ngờ vượt biên trái phép. Nhóm người này được cho là đang cố gắng rời Hồng Kông chạy trốn tới Đài Loan bằng tàu cao tốc để xin tị nạn chính trị. Vụ việc diễn ra trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc đại lục có động thái cứng rắn với người biểu tình Hong Kong.
Đầu tuần này, cơ quan an ninh Hồng Kông cho biết 12 người nêu trên bị cảnh sát truy lùng vì các tội danh liên quan đến phong trào biểu tình chống chính quyền đặc khu.
SCMP đưa tin, trong số này có 11 người bị buộc tội sản xuất, tàng trữ chất nổ, đốt phá, một người khác bị tình nghi cấu kết với thế lực nước ngoài, một hành vi phạm tội theo luật an ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông hồi tháng 6.
Bà Lâm nói: “Lý do họ rời Hồng Kông có vẻ là để trốn tránh khỏi trách nhiệm pháp lý… Tôi muốn làm rõ vấn đề ở đây, vì một số cá nhân địa phương và bên ngoài đã cố chuyển hướng sự chú ý, mô tả họ như những nhà hoạt động dân chủ đang bị đàn áp”.
Phát biểu của bà Lâm trái ngược với dư luận tại Hong Kong. Được biết 12 người này là các thanh niên đã tham gia biểu tình tại Hồng Kông thời gian qua, một số người bị truy tố hoặc đối mặt với việc bắt bớ do tham gia các cuộc biểu tình, trong đó có khuôn mặt trẻ hoạt động nổi bật là Wiston Li
Bình luận của bà Lâm được đưa ra sau khi thân nhân của một số người bị bắt trên tổ chức họp báo cuối tuần trước, nhằm yêu cầu đưa người thân trở về nhà và cho phép họ được tham vấn luật sư theo ý muốn của gia đình chứ không phải luật sư do Trung Quốc chỉ định.
Cảnh sát đại lục và văn phòng tư pháp đã yêu cầu ít nhất 4 luật sư nhân quyền do gia đình 12 người chỉ định rút đại diện pháp lý của họ, và chỉ định một số người Hồng Kông làm luật sư. Điều này gây lo ngại về quyền lợi của họ khi bị giam giữ.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Mỹ quan ngại sâu sắc về các nhà hoạt động, lưu ý rằng họ bị ngăn không cho tiếp cận với luật sư mà họ lựa chọn. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus đã gọi vụ bắt giữ 12 “nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông” là một ví dụ khác về tình hình nhân quyền đang xấu đi tại đây.