Luật an ninh quốc gia ban hành mà cả 7,5 triệu dân Hồng Kông lẫn Nghị Viện đặc khu này đều không được tham vấn, nội dung được giữ kín đến phút chót, ban hành vào 23 giờ địa phương và có hiệu lực ngay lập tức.
- Trung Quốc tự tin hay run sợ
- Hội nghị tài trợ Môi trường toàn cầu, Trung Quốc ‘lạc đề’ đòi chủ quyền khu bảo tồn của Bhutan
- Cập nhật sáng 2/7: Người Indonesia nghi nhiễm Covid-19 ở TP.HCM âm tính; 66 cán bộ sẽ bị kỷ luật do sai phạm ở Thủ Thiêm
Một năm sau phong trào dân chủ, Bắc Kinh ra luật ‘bàn tay sắt’, triệt tiêu tinh thần tự do của người Hồng Kông, đồng thời làm tắt hẳn ảo tưởng của phương Tây về một sự mở cửa dân chủ của chính quyền Bắc Kinh.
Áp đặt Luật an ninh mà nội dung giữ kín đến phút chót
Theo truyền thống thì ngày 01/07 tại Hồng Kông được đánh dấu bằng hai sự kiện trọng đại: Lễ thượng kỳ với diễn văn của trưởng đặc khu, và cuộc tuần hành lớn trong năm của người dân vào buổi chiều. Năm 2003, có khoảng hơn nửa triệu người tham gia cuộc tuần hành để chống lại luật an ninh được dự kiến trong điều 23 Luật căn bản của Hồng Kông (Hiến Pháp Hồng Kông).
Ngày 01/07 năm ngoái, cuộc tuần hành quy mô lớn nhất từ trước đến nay với khoảng hơn 2 triệu người tham dự, các thanh niên biểu tình đòi dân chủ đã xông vào Nghị Viện Hồng Kông, giương lá cờ Anh, thách thức quyền lực độc tài Trung Quốc.
Le Monde bình luận rằng trước những hành động phản đối này, Bắc Kinh đã quyết định áp đặt một cách thô bạo. Lần đầu tiên cuộc tuần hành và hai cuộc tập họp khác ngày 1/7 năm nay bị cấm, với cái cớ dịch bệnh Viêm phổi Vũ Hán.
Le Figaro và Les Echos đưa tin hôm qua 30/06, Quốc Hội Trung Quốc đã chính thức thông qua luật ‘an ninh quốc gia’, mang lại phương tiện đàn áp tại đặc khu vốn được bảo đảm quyền tự trị cho đến năm 2047 thông qua một hiệp ước với Anh quốc.
Libération nhận xét chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, Bắc Kinh đã áp đặt điều mà chính quyền Hồng Kông không thể làm được suốt 23 năm qua.
Điều đáng nói đây là một luật an ninh quốc gia mà cả 7,5 triệu dân Hồng Kông lẫn Nghị Viện đặc khu này đều không được tham vấn. Đạo luật có nội dung được giữ kín đến phút chót, được ban hành vào 23 giờ địa phương và có hiệu lực ngay lập tức.
Tờ Le Monde dẫn lời ông Đái Khải Tư (Philip Dykes), chủ tịch đoàn luật sư của Hồng Kông coi đây là chuyện vô tiền khoáng hậu về mặt hiến định, pháp định.
Theo luật này, Bắc Kinh có thể trừng phạt mọi hành động ‘ly khai, nổi dậy, khủng bố, thông đồng’, những khái niệm mơ hồ trong luật an ninh Trung Quốc để đàn áp mọi hành động bị coi là đối lập. Nếu vi phạm luật có thể bị dẫn độ sang Trung Quốc, khung hình phạt cao nhất là chung thân đối với những người lãnh đạo phong trào. Tội ‘khủng bố’ được định nghĩa rất rộng, từ quăng bom xăng đến làm hư hại, thậm chí là bôi bẩn phương tiện công cộng.
Cai trị Hồng Kông thông qua bắt bớ và sự sợ hãi
Ngay khi Bắc Kinh chính thức thông qua đạo luật hà khắc này, nhiều người Hồng Kông vội vã gỡ những tấm áp-phích ủng hộ dân chủ, những tài khoản Twitter, WhatsApp, Telegram xóa đi những nội dung bình luận chế độ. Một nhà đấu tranh tên tuổi khuyến cáo ‘Hãy xóa hết những trao đổi của chúng ta trên WhatsApp’, luật sư Lương Doãn Tín (Wilson Leung) nhận xét ‘Sự giải thể Hồng Kông diễn ra với tốc độ khủng khiếp’.
Hoàng Chi Phong rời khỏi đảng Demosisto, đảng này cùng với nhiều đảng khác tuyên bố giải thể trong cùng ngày hôm qua. Lương Tụng Hằng nhóm Hong Kong National Front giải thích rằng đó là để giảm thiểu nguy cơ bởi vì hai năm qua, nhóm bị truyền thông thân Bắc Kinh theo dõi sát, chụp hình các thành viên và người tình nguyện.
Giống Hoàng Chi Phong, vài trăm người khác không thể rời đặc khu Hồng Kông vì hộ chiếu đã bị tịch thu trong khi chờ ra tòa. Một số đã tự tìm được đường ra đi, như nhà đấu tranh đòi độc lập Trần Gia Câu (Wayne Chan) hôm Chủ nhật loan báo đã đi tị nạn.
Cựu trưởng đặc khu Lương Chấn Anh (CY Leung) đã hứa thưởng 1 triệu đô la Hồng Kông (hơn 114.700 euro, gần 3.000 tỷ tiền Việt) cho những ai giúp bắt được những ‘kẻ vô lại’ này. Từ tháng 6/2019 đến tháng 5/2020 cảnh sát đã bắt ít nhất trên 9.100 người, reo rắc nỗi sợ hãi cho toàn dân chúng đặc khu.
Không chỉ có thế, Bắc Kinh còn muốn kiểm soát tư tưởng, tiêu diệt tinh thần tự do của người Hồng Kông, và đặc biệt nhắm vào các lãnh vực văn hóa, giáo dục, truyền thông.
Các phương tiện đại chúng phát thông báo tố cáo ‘những kẻ nổi dậy’, nêu ra các hình phạt nghiêm trọng trên nền tiếng còi xe cấp cứu để gia tăng sự sợ hãi. Những tấm áp-phích ngoại cỡ xuất hiện đầy trên các đường phố, hành lang metro, trạm xe buýt, trùm lên toàn bộ các toa tàu điện, ca ngợi đạo luật an ninh quốc gia.
Những cảnh báo và tiếng nói quan ngại của các tổ chức phi chính phủ, của G7, NATO, Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu đều không có tác dụng, thậm chí cả đến những biện pháp trừng phạt đầu tiên của Washington. Amnesty International cho rằng mục đích của Bắc Kinh là ‘cai trị Hồng Kông thông qua sự sợ hãi’.
Hồi kết của ảo tưởng phương Tây về dân chủ ở Trung Quốc
Le Monde có bài phân tích ‘Hồi kết của ảo tưởng phương Tây khi chìa bàn tay hòa hiếu với Trung Quốc’, nhận định rằng việc thông qua luật an ninh Hồng Kông đã làm tắt lịm niềm hy vọng vốn là cơ sở cho chính sách mở cửa của Hoa Kỳ. Phương Tây đã hoàn toàn sai lầm khi tin tưởng vào Trung Quốc.
Ngày 01/07/1997 khi Anh vừa trao trả đặc khu, phương Tây tràn ngập lạc quan về tương lai của Hồng Kông. Tổng bí thư Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) khẳng định ‘chắc chắn Hồng Kông sẽ được quản lý một cách dân chủ’.
Ngay cả sau vụ thảm sát Thiên An Môn 1989, đến năm 2001 Trung Quốc vẫn được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và một số người mơ rằng Hồng Kông sẽ gieo mầm dân chủ tốt đẹp vào xã hội độc tài Trung Quốc.
Trong khi Châu Âu tràn ngập hy vọng vào Trung Quốc sẽ có nền dân chủ, Nhà Trắng chủ trương hòa dịu là tự do hóa kinh tế sẽ giúp dân chủ hóa các chế độ toàn trị, nhưng thực tế đã diễn ra ngược lại.
Nếu Trung Quốc không cải cách chính trị và chuyển đổi để hội nhập vào trật tự thế giới, không có lý do gì để Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chìa tay ra cho Bắc Kinh. Bởi vì Tập Cận Bình coi cải cách là mối đe dọa cho đảng cộng sản.
Trong khi Mỹ và phương Tây nhận ra chính sách hòa hiếu đã giúp Trung Quốc làm giàu trên lưng của mình, Bắc Kinh lại cho đây là một cái bẫy mà họ tự hào đã không rơi vào. Các nhà lãnh đạo cộng sản cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cho thấy sự yếu kém của nền kinh tế thị trường, và đại dịch virus corona chứng tỏ ưu thế của chế độ Trung Quốc.
Tuy nhiên cách Trung Quốc hành xử với dịch bệnh, Luật an ninh áp đặt với Hồng Kông đã khiến Mỹ và các nước phương tây dời chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Hoa lục.
Một ủy viên hội đồng địa phương chua chát: ‘Quy chế một đất nước, hai chế độ đã chết, cùng với tương lai của Hồng Kông. Ai muốn đầu tư vào một nơi mà luật lệ nằm trong tay Bắc Kinh ? Các nhà đầu tư và tư bản sẽ dần dà ra đi’.
Những việc mà Trung Quốc đã làm đối với nền dân chủ ở Hồng Kông, thêm hành động bành trướng ở biển Đông và gây hấn các nước láng giềng là hồi kết cho ảo tưởng về dân chủ ở Trung Quốc. Mỹ, phương Tây và nhiều quốc gia Châu Á đã tước bỏ ưu đãi dành cho đặc khu và rời nền công nghiệp của họ khỏi thị trường lớn nhất toàn cầu này.