Site icon Tin360

10 trí huệ của cổ nhân giúp bạn tìm thấy hạnh phúc trong tâm hồn

Trong cuộc sống, có người cả đời truy cầu tiền tài, danh lợi, địa vị mà cảm thấy khổ não, mệt mỏi trong tâm. Có người coi nhẹ danh lợi tình mà cảm thấy ung dung, tự tại.

Vương Dương Minh – một nhà triết học vĩ đại trong lịch sử Trung Quốc cho rằng, mọi phiền não, buồn khổ trong đời một người đều là do tâm người ấy sinh ra, vậy nên dưỡng tâm chính là giải pháp để an vui, tự tại. 10 đại trí huệ của ông dưới đây chính là những gợi ý giúp mỗi chúng ta dễ dàng tìm kiếm được hạnh phúc trong chính tâm hồn của mình.

1. Khiêm nhường, chân thành giữa bạn bè là điều trọng yếu

Trong ứng xử giữa bạn bè với nhau, khiêm nhường, chân thành sẽ khiến bạn vui vẻ; kỳ kèo so đo sẽ tự chịu tổn thương.

Nhiều người muốn thu lợi riêng cho mình, coi trọng lợi ích bản thân, khi cho đi đều mong muốn nhận lại. Trong mối quan hệ bạn bè, khiêm nhường, chân thành chính là nền tảng bền lâu. Nó không chỉ giúp mỗi người đều thu được lợi ích mà còn khiến cho đôi bên thêm phần gắn kết, hợp tác, thu được lợi ích.

2. Sách không muốn xem lại càng phải xem

Nếu bạn cảm thấy phiền não bất an, hãy tập trung tĩnh tọa, loại bỏ phiền não. Cũng như đọc sách, dù không muốn cũng nhất định phải xem, giống như kê thuốc đúng bệnh, cũng là một phương pháp đúng đắn.

Những ưu phiền trên bề mặt thường bắt nguồn từ bản năng sợ khổ của con người. Tuy nhiên khi chúng ta càng muốn cuộc sống an nhàn, hưởng thụ sự dễ chịu thoải mái thì lại càng không thể trưởng thành, không thể tiến xa hơn, thậm chí càng khiến bản thân thêm ưu phiền.

Vậy nên, người càng muốn thanh nhàn thoải mái thì lại càng phải vượt lên nghịch cảnh, vượt lên chính mình. Khi chúng ta không muốn làm một điều gì đó thì lại càng phải cố gắng thực thi, đây cũng là sự tôi luyện tâm tính của chính mình.

3. Không được có tư tâm

Muốn khắc chế bản thân mình thì nhất định phải loại bỏ hoàn toàn tư tâm. Một khi con người còn tư tâm thì còn ác niệm, còn niệm đầu xấu chế ngự bản thân.

Khắc chế dục vọng bản thân cũng như con người ta đắp đê chặn lũ. Đê phải chắc, thế phải vững, chỉ có một điểm yếu cũng có thể khiến đê thủng, bờ tan, dã tràng xe cát. Con người nếu như còn một chút dục vọng tư tâm thì cũng giống như khoan một lỗ trên đê chống lũ, đê vỡ chỉ là chuyện sớm muộn.

4. Hối hận là liều thuốc tốt nhất của đời người

Hối hận chính là liều thuốc quý để trị bệnh, quý ở chỗ biết sửa đổi. Tuy nhiên, nếu cứ mãi ôm chặt sự hối hận trong lòng thì lại vì thuốc mà sinh bệnh.

Con người không phải là thần tiên, sao tránh khỏi sai lầm? Vậy nên đầu tiên là cần biết tỉnh ngộ, thứ hai là cần biết sửa đổi và thứ ba là không được mãi ôm giữ sự hối hận trong lòng. Đây cũng là quá trình trưởng thành của mỗi người.

5. Cuộc sống bận rộn, bất an do tâm thái truy cầu được – mất tạo thành

Trong xã hội ngày nay, có rất nhiều người phải xử lý công việc đầu tắt mặt tối, cả ngày chân tay bận bịu, càng vội càng loạn khiến cho sự việc càng làm càng rối. Ngay cả bản thân rơi vào cảnh khốn đốn lúc nào cũng chẳng hay. Tại sao lại vậy?

Vương Dương Minh lý giải rằng, “nguyên nhân tất cả những điều này đều chỉ vì tâm coi trọng được – mất quá nặng, chỉ muốn có kết cục tốt, sợ những điều bất hạnh cho nên tự mình đã che đậy mất khả năng vốn dĩ có thể xử lý nó được tốt hơn. Kỳ thực, cuộc sống được – mất đó là lẽ thường tình, sống nếu như có thể đối đãi vạn sự vạn vật một cách tùy kỳ tự nhiên mới là thái độ lý tưởng nhất”.

6. Trốn tránh không mang lại tiền đồ

Con người cần phải rèn luyện tiến lên, trong công việc cần phải dụng tâm mới có thể thu được kết quả tốt. Làm người nếu như chỉ muốn yên tĩnh, nhẹ nhàng, đến khi gặp việc ắt sẽ hoảng loạn, sau cùng sẽ chẳng thể tiến bộ. Trốn tránh phiền phức chỉ được yên cái yên nhất thời, trên thực tế lại chính là tự dấn thân chỗ nguy hiểm.

Xã hội ngày nay vô cùng phức tạp, cuộc sống ngày một áp lực, vậy nên ắt cần phải kiên cường mạnh mẽ, can đảm đối diện với khó khăn. Có như vậy mới có thể trưởng thành, trốn tránh chỉ làm chúng ta ngày một yếu đuối, không thể nào có tiền đồ.

7. Đừng để dục vọng vật chất đánh lừa

Nếu không có sự cám dỗ của vật chất, tất cả đều dựa theo lương tri của chúng ta mà phát huy, vậy thì không lúc nào, không ở đâu là xa rời Đạo. Thế nên bình thường đại đa số đều bị ham muốn vật chất dắt mũi đánh lừa, không thể thuận theo lương tri mà làm.

Vương Dương Minh nói đến lương tri ở đây chính là nói tới “bản tính”. Bản tính lương tri mỗi người đều có, ông nói cho chúng ta biết một điều, phần lớn chúng ta không thể giữ vững được lương tri của mình đều là do dục vọng vật chất làm cho mê mờ.

Ngày nay, khi con người coi trọng cuộc sống vật chất hơn bất kỳ điều gì khác thì tình trạng vì ham muốn cuộc sống vật chất làm cho lương tri bị mê mờ lại càng trở nên nghiêm trọng.

8. Muốn cười thì phải khóc

Chỉ có niềm vui sau đau khổ mới là niềm vui thực tại, cũng như không có khóc thì chẳng thể hiểu trọn vẹn niềm vui. Tuy có đau khổ nhưng lại nhờ đó mà được an nhiên, vui vẻ.

Ví như một người ngày nào cũng ăn sơn hào hải vị, sau một thời gian cũng cảm thấy hương vị bình thường, không còn thơm nữa. Và hàng ngày cuộc sống sung túc như ngày Tết, khi Tết đến lại chẳng biết cảm giác của Tết nữa.

Vậy nên làm người thì đừng ngại khổ, bởi đó cũng chính là nền tảng cho sự vui vẻ hạnh phúc mai sau. Cũng như người muốn thành công thì phải trải qua thất bại, muốn nên người thì phải trải đắng cay. Người mà không qua rèn giũa thì đâu thể trưởng thành.

9. Chê bai người khác chính là khinh thường bản thân

Đừng dùng lời hạ thấp người khác, bởi đây cũng là hành vi ngu xuẩn, nông cạn của kẻ kém hiểu biết. Bản thân không có sự hiểu biết mà chỉ nói những lời sáo rỗng trên bề mặt thì là hành vi tự phỉ báng chính mình.

Kỳ thực hành vi này chính là thể hiện sự hiểu biết nông cạn của bản thân, không nhìn ra bản tính hẹp hòi, không đủ bao dung, đem sức lực đặt không đúng chỗ, để rồi bản thân lại không có thời gian cải thiện khuyết điểm của mình.

10. Làm việc phải chuyên nhất

Có chuyện kể rằng, một vị hành giả hỏi lão hòa thượng: “Trước khi đắc Đạo ngài làm gì?”. Lão hòa thượng trả lời: “Chặt củi, gánh nước, nấu cơm”.

Vị hành giả lại hỏi: “Vậy sau khi đắc Đạo thì sao?”. Lão hòa thượng đáp: “Chặt củi, gánh nước, nấu cơm”.

“Như vậy nghĩa là đã đắc Đạo rồi sao?”, hành giả hỏi tiếp.

“Trước khi đắc Đạo, khi chặt củi thì ta nhớ đến gánh nước, khi gánh nước ta lại nhớ đến nấu cơm. Sau khi đắc Đạo, chặt củi là chặt củi, gánh nước là gánh nước, nấu cơm là nấu cơm thôi”, lão hòa thượng nói.

Như vậy, chuyên nhất cũng chính là sự tu dưỡng, người có thể chuyên tâm làm gì nghĩ đó chính là người đang tu dưỡng.

Huy Hoàng biên tập (Theo soundofhope.org)