Giáo hội Phật giáo Việt Nam “tu chỉnh hiến chương” để làm rõ các vấn đề về ban quản trị chùa, pháp nhân phi thương mại, quyền sở hữu tài sản… của tăng ni và phù hợp với… Luật đất đai.
Tài sản của Sư hay của chùa?
Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ 9 vào 28 và 29/11 tới, Giáo hội sẽ tu chỉnh hiến chương để phù hợp hơn với luật pháp hiện hành, đồng thời quy định rõ quyền tài sản của tăng ni, ông Thích Huệ Thông, Phó tổng thư ký Hội đồng trị sự GHPGVN nói trong họp báo hôm thứ Tư, 23/11.
Giới chức sắc trong GHPGVN nói, việc tu chỉnh hiến chương một phần để phù hợp với Luật Đất đai mới sắp được ban hành.
Theo ôngThông, hiến chương sắp tới sẽ quy định rất rõ để tránh tình trạng sử dụng tiền của Tam bảo làm của riêng.
“Một cá nhân đương nhiên có quyền tài sản, nhưng nếu tăng ni đó đang ở chùa, đang làm trụ trì thì vị đó phải chứng minh được tài sản này là của riêng. Ví dụ tài sản do cha mẹ cho, anh chị em cho hay một người phật tử cúng dường riêng. Nếu không chứng minh được thì toàn bộ tài sản đó là của tam bảo”, Zing trích lời sư Thông nói.
Lùi quy định ‘thuê nhà trên 20 m2 mới được thường trú ở Hà Nội’
Tối 23/11, UBND Hà Nội gửi văn bản đến HĐND TP đề nghị lùi thời gian trình và ban hành Nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu đối với nhà thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn thành phố.
Một số nguồn tin nói, việc lùi quy định sẽ kéo dài đến ít nhất là hết năm nay.
Nếu quy định trong Nghị quyết trên được thông qua, những người đang ở thuê, ở trọ, ở nhờ nhà có diện tích dưới 20 m2 tại Hà Nội sẽ không được đăng ký thường trú.
Nhiều dự án bất động sản ở Đồng Nai bị thanh tra
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực quản lý với nhiều dự án bất động sản tại Đồng Nai.
Theo Tuổi Trẻ, danh sách các tổ chức được kiểm tra về tài nguyên – môi trường ở Đồng Nai, có sáu dự án tại TP Biên Hòa và bốn dự án ở các huyện. Trong đó, nhiều dự án “nổi cộm” cũng được điểm danh.
Bộ Giáo dục cấp trùng phôi, 9 người bị Hà Nội thu hồi bằng THPT
Vietnamnet cho biết, Sở GD-ĐT Hà Nội vừa có quyết định thu hồi 9 bằng tốt nghiệp THPT năm 2021 do Bộ Giáo dục cấp trùng số hiệu phôi bằng.
Trong đó, có 2 cựu học sinh của Trường THPT Quang Trung – Hà Đông và 7 cựu học sinh của Trường THPT Quốc Oai.
Một quan chức Sở Giáo dục Hà Nội nói, việc thu bằng vì phôi bằng của Bộ GD-ĐT cấp cho các học sinh này bị trùng với 9 học sinh khác về số hiệu phôi. Trong thời gian tới, Bộ sẽ cấp lại phôi khác để Sở cấp lại bằng cho 9 học sinh này.
Dùng hơn 17 triệu dữ liệu cá nhân để lừa đảo
Tối 23/11, Bộ Công an cho biết Công an tỉnh Quảng Bình vừa triệt phá vụ thu thập hơn 17 triệu thông tin dữ liệu cá nhân để phạm tội.
Hiện công an xác định Nguyễn Phát Tài (23 tuổi, ở Tiền Giang), Mạch Thị Nga (29 tuổi), Mạch Thị Mỵ (26 tuổi, cùng quê Thanh Hóa), Phan Thị Bạc (28 tuổi, quê An Giang) và Phạm Lý Hùng (28 tuổi, ở TP.HCM) liên quan đến vụ án này.
Nhóm này bị cáo buộc đã lợi dụng lỗ hổng của nhiều cá nhân, công ty, tổ chức trong việc quản lý, bảo vệ thông tin, nội dung số để đánh cắp thông tin. Từ tháng 8/2021 đến khi bị bắt, Tài và đồng phạm đã thu thập hơn 17 triệu thông tin dữ liệu cá nhân. Sau đó, họ bán cho người khác nhằm thu lợi bất chính.
Ngoài ra, nhóm của Tài thu thập trái phép thông tin hàng nghìn khách hàng vay vốn tín dụng ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn là chiếm quyền truy cập SIM điện thoại, khôi phục lại mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet Banking rồi chiếm đoạt tài khoản.
Nhóm của Nga, Tài đã rửa tiền thông qua việc thanh toán hóa đơn điện, nước trên toàn quốc. Nhóm này đã dùng khoảng 40 tài khoản ngân hàng giả mạo để nhận tiền chiếm đoạt. Tổng số lượng giao dịch hơn 100 tỷ đồng.