Phường phát phiếu chỉ định phải mua hàng ở Bách hoá Xanh; sự vụ Bắc Ninh ‘dùng phiếu xét nghiệm Covid-19 để trống tên’ là những nội dung chi tiết bản tin tối nay 9/8.
Phường phát phiếu chỉ định phải mua hàng ở Bách hoá Xanh
Theo báo VTC, mới đây nhiều người dân ở khu phố 14, phường 11, quận Gò Vấp, TP. HCM bức xúc trước việc UBND phường phát phiếu mua thực phẩm thiết yếu chỉ định rõ mua tại cửa hàng Bách hóa Xanh.
Ông Dũng, một người dân, nói: khoảng 1 tuần nay, UBND phường 11 phát phiếu mua thực phẩm thiết yếu cho người dân, trên phiếu ghi rõ mua hàng ở cửa hàng Bách hóa Xanh. Việc này khiến nhiều người rất bức xúc, vì cho rằng chỉ định của phường làm khó người dân.
Ông Dũng thắc mắc vì sao gần nơi sinh sống có cả Vinmart, Co.opmart mà phường lại chỉ định vào Bách hóa Xanh mua hàng. Ngoài ra, trong phiếu ghi rõ tên tuổi, nơi ở nhưng chỉ có mỗi mã vạch, trong khi phiếu phát lần trước đóng dấu của UBND phường nên khiến nhiều nghi ngờ.
Trả lời báo VTC về vụ việc này, chủ tịch phường 11 nói việc này đang “thực hiện thí điểm” (Đọc tiếp trên VTC).
Làm rõ vụ “dùng phiếu xét nghiệm Covid-19 để trống tên”
Vẫn trên VTC, ngày 8/8, Tổ kiểm soát phòng chống dịch tại chốt kiểm dịch xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang phát hiện trường hợp người dân sử dụng phiếu kết quả xét nghiệm Covid-19 test nhanh âm tính có chữ ký của cán bộ kỹ thuật, chữ ký của bác sỹ chỉ định và có đóng dấu treo của Trung tâm Y tế TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh để đi qua chốt vào địa bàn huyện Hiệp Hòa. Tuy nhiên, phiếu xét nghiệm không có thông tin của người được test nhanh.
Phản hồi với VTC, bà Lại Thị Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) khẳng định “100% phiếu kết quả xét nghiệm này không phải từ chúng tôi cấp ra”. 2 nhân viên có tên giấy khẳng định đây không phải chữ ký của mình. “Còn đối với việc có dấu treo của đơn vị trên giấy xét nghiệm, chúng tôi không có chức năng thẩm định đây là dấu thật hay giả còn chữ ký là mạo danh rồi và phải nhờ công an thẩm định là con dấu thật hay con dấu giả”, bà Nguyệt nói.
Hiện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh đang đề nghị nhà chức trách làm rõ sự việc (Đọc tiếp bản tin trên VTC)
Nhân viên siêu thị, cửa hàng tiện lợi được ra đường sau 18h
Theo VnExpress, Nhân viên siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hàng bình ổn ở TP HCM được chạy trên đường từ 18h đến 6h sáng trong thời gian tăng cường biện pháp giãn cách xã hội.
Chỉ đạo được Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đưa ra chiều 9/8, sau đề xuất của Sở Công thương nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị chuẩn bị công tác hậu cần, sắp xếp hàng hoá; vệ sinh, khử khuẩn ở khu vực kinh doanh.
Cảnh báo y bác sĩ bị lây Covid-19 vì khẩu trang dỏm
Hôm nay 9/8, Bệnh viện Việt Đức cho biết, nhiều nhà tài trợ, nhóm hảo tâm, bè bạn đã kêu gọi và quyên góp mua tặng khẩu trang, thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế để chống dịch.
“Tuy nhiên khi kiểm tra các trang bị bảo hộ, đặc biệt khẩu trang N95 – một lá chắn quyết định trong ngăn ngừa virus SARS-CoV-2, thì rất nhiều trong số khẩu trang nhận được từ các nguồn tài trợ là không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy hầu hết các trường hợp lây nhiễm cho nhân viên y tế trong khi chăm sóc, điều trị người bệnh là do mang khẩu trang không đạt chuẩn” – ông Bình Giang – giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết.
Theo ông Giang, đây là nguy cơ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của cán bộ y tế (Đọc tiếp trên báo Tuổi Trẻ).
Gia đình công an nuôi 3/17 con hổ ở Đô Thành
Theo báo Tiền Phong, chủ tịch xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) xác nhận, 1 trong 2 hộ dân nuôi nhốt 17 con hổ trái phép vừa bị công an phát hiện là gia đình một công an bán chuyên trách tại xã.
Nói về việc dân nuôi hổ, chính quyền không biết, vị chủ tịch nói: “Xã không thể mở đợt kiểm tra việc chăn nuôi ở địa phương vì không có thẩm quyền. Họ nuôi nhốt làm chuồng, tường rào kín đáo, muốn vào kiểm tra thì phải có lệnh khám nhà, chứ nhà họ sao mình vào được” (Đọc tiếp trên Tiền Phong).