Trung Quốc có các vấn đề tương tự như Nga bộc lộ trong cuộc xâm lược Ukraine, vì vậy có thể “mạnh dạn” tuyên bố rằng Tập Cận Bình chỉ là “hoàng đế không mặc quần áo”, theo một nhà phân tích quân sự người Mỹ.
Trên trang The Epoch Times ông Morgan Deane, nhà lịch sử quân sự và là cựu lính hải quân Mỹ, có bài bình luận thú vị: “Trung Quốc là vị hoàng đế cởi truồng”.
Nhiều bài báo đăng tải về “nỗi lo sợ bị Trung Quốc xâm lược”. Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng Trung Quốc sẽ giành chiến thắng trong bất kỳ cuộc xâm lược tiềm năng nào.
“Nhưng nghiên cứu kỹ về quân đội Nga cho thấy những vấn đề tương tự đối với Trung Quốc, từ đó có thể thấy rằng quân đội Trung Quốc là vị hoàng đế không mặc quần áo”, theo ông Deane.
Màn trình diễn tồi tệ của quân đội Nga
Ông Deane cho rằng quân đội Nga đang thực thi “hết sức tệ hại” trong cuộc xâm lược Ukraine. Lực lượng hùng hậu của Tổng thống Putin đã rơi vào tình trạng bế tắc tại quốc gia Đông Âu nhỏ bé này.
“Nga có 190.000 binh sĩ tấn công từ ba hướng và sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, từ đổ bộ đến nhảy dù — chưa kể cuộc chiến hỗn hợp về tâm lý trên không gian mạng”.
Với lực lượng đó, những tưởng “ai có thể ngăn cản được người Nga?”
Nhưng hóa ra quân đội Nga trở nên “thảm hại” khi đối mặt với các thường dân Ukraine đứng lên cầm súng và một vị tổng thống xuất thân từ một diễn viên hài.
Trong tình huống đó, quân đội Nga được ông Deane so sánh với “vị hoàng đế không mặc quần áo”.
Ông cho biết: “Có thể nói dễ dàng rằng Nga là một con hổ giấy sau khi nhìn thực tế (tại Ukraine).”
Theo nhà lịch sử quân sự Mỹ, quân đội Trung Quốc cũng có rất nhiều dấu hiệu cho thấy họ là “vị hoàng đế không mảnh vải che thân” tương tự như Nga.
Quân đội Trung Quốc cũng tương tự như Nga
Theo ông Deane, có rất nhiều điều để nói về quân đội Nga và Trung Quốc.
“Nhưng tóm tắt ngắn gọn là binh lính Nga không được đào tạo bài bản – họ có động lực yếu kém và lãnh đạo yếu kém trước khi cuộc chiến bắt đầu. Những căng thẳng trong chiến đấu chỉ khiến điều đó trở nên tồi tệ hơn”, ông Deane viết.
Quân đội Trung Quốc phải đối mặt với nhiều vấn đề tương tự. Họ thậm chí còn ít kinh nghiệm chiến đấu hơn người Nga. Việc huấn luyện binh sĩ chỉ mang tính chất “học vẹt”. Giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc thì e dè, sợ mắc sai lầm.
“Các phi công máy bay chiến đấu của Trung Quốc không có kinh nghiệm chiến đấu cọ xát như Nga; họ gặp phải những vấn đề nghiêm trọng, bao gồm cả một chương trình đào tạo kéo dài và kém hiệu quả khiến họ hoàn toàn thất bại trong việc chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu”, theo Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Trung Quốc thuộc Không quân Mỹ.
Ngoài ra, các máy bay phản lực của Trung Quốc, chẳng hạn như J-20, sử dụng các loại động cơ yếu kém. Chúng đã phát nổ hoặc phải sử dụng một tính năng đốt sau để đạt tốc độ tối đa. Khi đó, chúng không có khả năng tàng hình đối với hệ thống radar của đối thủ.
Trung Quốc hung hăng không có nghĩa làm tốt hơn Nga
Nhà phân tích quân sự Deane chỉ ra sự hung hăng của quân đội Trung Quốc. Nhưng điều đó không có nghĩa họ sẽ làm tốt hơn Nga trong trường hợp tấn công nước khác.
Chẳng hạn, Trung Quốc khó có thể chiếm được Đài Loan, hòn đảo độc lập mà Bắc Kinh muốn thâu tóm vào đại lục.
Ông Deane viết: “Thật khó để tưởng tượng một lứa tân binh mới, với một năm huấn luyện tốt trong thời bình, lái những máy bay phản lực kém hơn, đột nhiên lại vượt trội so với các phi công Đài Loan lái máy bay F-16 trên quê hương của họ”.
Đó là chưa tính đến việc Mỹ sẽ hỗ trợ Đài Loan các máy bay F-35 hoặc trực tiếp điều động phi công chiến đấu có kinh nghiệm tới giúp Đài Bắc.
Ông Deane cho rằng: “Không giống như hầu hết các nhà phân tích nhìn vào cuộc xâm lược của Nga với vẻ sợ hãi, chúng ta nên mạnh dạn tuyên bố rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và ĐCSTQ giống như vị hoàng đế không mặc quần áo”.
Ông cho rằng: “Phương Tây và Đài Loan nên duy trì mối quan ngại lành mạnh đối với sự xâm lược của Trung Quốc, nhưng không phải là nỗi sợ hãi phi lý.”