Ngồi đăm chiêu nhìn về hướng núi, anh Cương (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) buồn bã kể với phóng viên Tuổi Trẻ: “Những ngày qua như một cơn ác mộng. Tôi may mắn sống trở về, nhưng còn đứa cháu, đứa bạn…”.
Trong những nạn nhân vụ lở đất vùi lấp thủy điện Rào Trăng 3 may mắn trở về có anh Nguyễn Đình Cương (34 tuổi). Từ tối 14 và sáng 15/10, bà con hàng xóm thôn Hiền An 2 kéo đến thăm hỏi, động viên anh Cương và gia đình. Ông Định, bố anh Cương, ôm con khóc nức nở.
Anh Cương kể: “Tối 11/10, trời mưa tầm tã. Sau khi ăn cơm ở nhà điều hành, tôi cùng người bạn lái xe múc ra khu vực lán trại của đội xe ngủ, cách nhà điều hành 300m. Đến khoảng 0h30 ngày 12/10, lúc đó mưa rất lớn, bỗng có anh đồng nghiệp chạy từ hướng nhà điều hành lên lán đội xe, ánh sáng từ đèn pin loạng choạng, hoảng loạn báo vụ sạt núi lấp vùi nhà điều hành rồi.
Anh em tôi bật dậy, chạy đi tất cả lán khác để báo tin. Khi đó, khoảng hơn 20 anh em mặc áo mưa, bật đèn pin điện thoại chạy về hướng nhà điều hành tìm kiếm xem ai còn sống không.
Đêm đó chúng tôi kiếm được 7 người bị thương, dìu ra bãi đất trống. Mưa vẫn lớn, mọi thứ tan hoang, san bằng hết, nước chảy xiết. Chúng tôi cố dùng đèn từ điện thoại tìm kiếm tiếp nhưng vô vọng”.
Sáng 12/10, nhóm anh Cương và hơn 40 người còn sống theo đường lộ đi trong mưa, nhưng đường sạt lở không đi được, phải quay lại. Anh em mệt rã rời, một số bị thương chấp nhận ngồi giữa mưa bên cạnh bờ suối nhai mì tôm lấy sức.
“Lúc đó ai cũng hoảng loạn. Trời mưa lớn, ai cũng sợ núi tiếp tục sạt lở. Đến sáng hôm sau, nhóm quay lại khu nhà điều hành nhưng thấy toàn đất đá, mọi thứ im bặt đến lạnh người. Anh em quyết định cắt rừng tìm đường về thủy điện Rào Trăng 4 báo tin. Đi từ sáng đến tối mới tới, ai cũng như được sống lại lần thứ hai”.
Đến thủy điện Rào Trăng 4, mọi thứ ổn định hơn. Nhóm nhờ điện thoại của một nhân viên ở đây báo về tỉnh sự cố sạt lở đất. Nhiều anh em nhờ điện báo về cho gia đình. Cả nhóm ở tại thủy điện Rào Trăng 4 đến trưa 14/10 thì được lực lượng chức năng tiếp cận, đưa về Bình Điền theo đường thủy.
Ngồi đăm chiêu nhìn về hướng núi, anh buồn bã: “Những ngày qua như một cơn ác mộng. Tôi may mắn sống trở về, nhưng còn đứa cháu, đứa bạn…”.
Cùng tâm trạng từ cõi chết trở về, anh Hồ Thanh Quốc (xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) thấy mình may mắn, nhưng vẫn chưa hết bàng hoàng. Kể chuyện với phóng viên Dân Việt vào sáng 15/10, chàng trai 20 tuổi giọng run run, thuật lại: Khoảng 0h ngày 12/10, khi anh đang ngủ thì nghe tiếng gọi “dậy, dậy mau, chạy, chạy”.
Trong tích tắc, Quốc nghe những tiếng nổ, tiếng đất sạt xuống ầm ầm.
7 người trong lán của Quốc hoảng loạn, chạy tán loạn trong đêm tối, mưa tầm tã. Đất, đá trên đồi đổ ập xuống sau lưng họ. Trong khi bỏ chạy, Hồ Văn Triều (22 tuổi, cùng trú thôn A Rồng) bị đất vùi, không thể chạy tiếp.
Quốc cùng mọi người quay lại cố kéo Triều thoát ra nhưng đống bùn đất nhão nhoẹt chôn chặt lấy chân Triều.
“Lúc ấy, mưa lớn, đất vẫn sạt xuống, mọi người cùng cố kéo Triều lên nhưng rất khó. Có lúc, mọi người định tìm vật gì đó sắc nhọn để chặt chân Triều để kéo Triều ra” – Quốc bàng hoàng kể.
Sau 3 lần bỏ chạy rồi quay lại cứu, mọi người đã kéo được Triều thoát khỏi đống sạt lở.
Theo Quốc, rất may còn một cái điện thoại có đèn pin, mọi người soi tìm, lần theo tiếng kêu thất thanh mới tìm ra Triều để cứu, nếu không thì có thể Triều đã chết vì bị chôn vùi.
Chờ đến sáng, Quốc cùng 6 người tìm đến một lán trại khác trú ẩn. Nơi đó có hơn 10 người.
Sau khi định thần lại, Quốc và một số người khoẻ mạnh trở lại lán trại của mình và khu vực nhà điều hành (cách lán của Quốc ở khoảng 50 mét) để tìm xem có ai sống sót không nhưng chẳng thấy gì.
Theo lời của Quốc, nhà điều hành có khoảng mười mấy người. Khi Quốc đến, mọi thứ đã bị san bằng, không còn dấu tích.
“Chúng tôi gọi khản cả giọng nhưng không nghe ai trả lời hay kêu cứu gì cả. Đau xót lắm” – Quốc nghẹn ngào.
Không tìm thấy ai, đến sáng 13/10, Quốc cùng một số người cõng Triều băng rừng gần 4 giờ đồng hồ, có những lúc phải đi bằng bốn chân (họ phải bò – PV) giữa đường lầy như ruộng mới tới được thuỷ điện Rào Trăng 4.
Chiều cùng ngày, Quốc, Triều và 2 người quê Quảng Trị cùng 1 người quê Hà Tĩnh được lực lượng cứu hộ đón ở thuỷ điện Rào Trăng 4, theo đường thuỷ đưa về Bệnh viện Đa khoa Bình Điền (thị xã Hương Trà) điều trị.
Nay, sức khoẻ của họ đã cơ bản ổn định. Riêng Triều phải ngồi xe lăn vì 2 chân bị thương.