Hơn 1 tuần nay, dư luận dồn sự chú ý vào cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách “Cánh diều”. Tuy nhiên, cuốn Giáo dục thể chất lớp 1 của bộ sách này và cũng có quá nhiều vấn đề…
Sách dành cho học sinh mà cứ ngỡ dành cho giáo viên
Ngọc Tâm – cựu VĐV nhảy cao quốc gia, hiện rất thành công với Trung tâm phát triển chiều cao Bằng Tâm. Tâm đã có bằng thạc sĩ sư phạm thể dục thể thao, có kinh nghiệm nhiều năm làm việc, huấn luyện trẻ con.
Theo PV báo Tuổi Trẻ, sau khi xem sách, Tâm nhận xét: “Yêu cầu trong sách quá cao với trẻ lớp 1, không thể thực hiện nổi”. Đặc biệt, nói chuyện một hồi thì Tâm mới “ngã ngửa” khi biết đây là sách dành cho học sinh, trong khi cô cứ tưởng nó dành cho giáo viên!
Thật khó để hình dung được trẻ lớp 1 (6 tuổi) lại “tiêu hóa” nổi nội dung cuốn sách. Các soạn giả có lẽ cũng biết được những từ khó trong sách như “đội hình đội ngũ”, “nhịp”, “vận động cơ bản”, “thể thao tự chọn”, “khẩu lệnh”… nên dành hẳn một trang để giải thích thuật ngữ.
Song, đọc xong trang giải thích thì có lẽ phải thêm một trang giải thích cho giải thích nữa! Ví dụ, giải thích cho từ “khẩu lệnh” là lệnh hô trong luyện tập thể dục thể thao!
Ngọc Tâm cho rằng nội dung trong sách hoàn toàn phi thực tế. “Với kinh nghiệm nhiều năm huấn luyện vận động cho trẻ con, tôi tin rằng ít nhất phải là học sinh lớp 3 mới sử dụng được cuốn sách dành cho lớp 1 này – Tâm nói – Mỗi lớp ở trung tâm của tôi, một thầy sẽ đảm trách tối đa 15 em, trong khi ở trường học công lập là 40-50 em/thầy.
“Khi nhận một em khoảng 6 tuổi, HLV của chúng tôi phải trò chuyện với phụ huynh ít nhất 1 giờ đồng hồ để nắm bắt về học sinh. Rồi có những buổi còn yêu cầu phụ huynh vào tập cùng. Có như vậy mới đạt hiệu quả. Vì vậy, tôi không tin cuốn sách giáo khoa mình xem sẽ đạt hiệu quả như mong muốn”, Ngọc Tâm chia sẻ.
N., giáo viên thể dục bậc tiểu học có hơn 20 năm kinh nghiệm và chủ một trung tâm đào tạo bóng đá trẻ khá thành công (N. đề nghị không nêu tên vì không muốn rắc rối với ngành giáo dục) đọc thẩm định cuốn sách.
Anh cười bảo: “Tôi không cần đọc nữa đâu, thuộc lòng rồi, vì đã có một tuần tập huấn với cuốn sách này và đang sử dụng nó cho việc dạy trong trường”.
N. cho biết: “Tôi cũng thất vọng về cuốn sách. Sách thể dục trước giờ vốn đã bị chê là nặng thì sách mới này còn nặng hơn.
Ví dụ, trước đây trong phần dạy về đội ngũ đội hình chỉ yêu cầu học sinh phân biệt bên trái bên phải; còn với sách mới phải làm thuần thục các động tác quay trái, quay phải, quay ra sau.
Tôi cho là sự áp đặt ở cuốn này nặng nề hơn trước. Khi tham gia khóa tập huấn, nhiều giáo viên cũng góp ý, không đồng tình ở nhiều điểm, nhưng chả đâu vào đâu”.
Còn chuyện môn bóng đá mini, N. cười lớn bảo: “Trong sách người ta đưa ra những yêu cầu khiếp đảm và tôi nghĩ chỉ thần đồng bóng đá mới làm được.
Ví dụ, bài 18 yêu cầu học sinh làm quen dừng bóng bằng gan bàn chân, bài 19 là dẫn bóng bằng lòng bàn chân, bài 20 đá bóng bằng lòng bàn chân, bài 21 đá bóng bằng lòng bàn chân vào cầu môn.
Tôi khẳng định không có trẻ 6 tuổi nào làm được những bài tập này. Ở các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, trẻ 6 – 8 tuổi chỉ làm quen, chơi, đuổi theo bóng mà thôi. Những bài tập mang tính kỹ năng vừa kể phải 9 tuổi mới bắt đầu tập và chỉ những em có năng khiếu đá bóng thật sự mới làm được”.
Có cần sách giáo dục thể chất bậc tiểu học?
Cách đây đúng một năm, trước khi bộ sách giáo khoa “Cánh diều” ra đời, khi bàn về sách giáo dục thể chất, nhiều chuyên gia đã cho rằng không nhất thiết phải có sách giáo khoa môn này cho học sinh mà chỉ cần sách cho giáo viên là đủ.
Ủng hộ quan điểm này có giáo sư tiến sĩ Phạm Tất Dong, phó chủ tịch Hội Khuyến học VN. Ông Dong cho rằng thể dục là môn học thiên về vận động, không cần sách giáo khoa cho học sinh.
Hầu hết các nước cũng không có sách giáo khoa về giáo dục thể chất, mà chỉ có chương trình khung và giáo án huấn luyện. Riêng ở Nhật Bản thì có nhưng cũng chỉ từ cấp 2 trở lên.
Cuốn sách Giáo dục thể chất lớp 1 trong bộ sách “Cánh diều” dày 95 trang với ba phần chính:
Phần Kiến thức chung: có nội dung vệ sinh sân tập và chuẩn bị dụng cụ tập luyện.
Phần Vận động cơ bản: Với 3 chủ đề, trong đó chủ đề 1 gồm 4 bài tập về đội hình đội ngũ, chủ đề 2 gồm 7 bài tập trung vào các bài tập thể dục và chủ đề 3 có 4 bài học về tư thế và kỹ năng vận động cơ bản.
Phần thứ ba, phần chính, về Thể thao tự chọn với hai môn bóng đá mini (6 bài) và bóng rổ (6 bài).