Mục điểm tin kinh tế tuần qua (từ ngày 4/5 đến 11/5/2020) có những nội dung sau
- Điểm tin kinh tế thế giới tuần qua: Hai tập đoàn dầu khí lớn Trung Quốc lỗ hơn 5 tỷ đô la
- Việt Nam phản ứng về tin nhóm tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế
- Kinh tế Việt Nam có thể tăng 4,9%; Trung Quốc xuống còn 0,1%
Cho vay nặng lãi online của Trung Quốc núp bóng đang tràn vào Việt Nam
Báo điện tử Vietnam Finance đưa lời chia sẻ của ông Trần Việt Vĩnh, Tổng Giám đốc của FIIN (một công ty hoạt động theo mô hình cho vay ngang hàng – P2P), cho biết khoảng 60% số lượng giao dịch online tại Việt Nam là do các doanh nghiệp Trung Quốc núp dưới tên công ty Việt Nam thực hiện. Còn theo Chủ tịch Nexttech, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, có khoảng 60 – 70 doanh nghiệp của Trung Quốc thuê người Việt đứng tên thành lập doanh nghiệp. Hiện chưa có một con số thống kê chính xác đến thời điểm này có bao nhiêu doanh nghiệp của Trung Quốc núp bóng người Việt cho vay online với mức lãi suất “cắt cổ” tại thị trường Việt Nam.
Các doanh nghiệp Trung Quốc thường đăng ký núp bóng thành các công ty hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và cho vay theo mô hình hoạt động của công ty tài chính, nhưng lại không có giấy phép kinh doanh dịch vụ tài chính tại Việt Nam. Mỗi doanh nghiệp Trung Quốc này thường tạo ra nhiều app với tên gọi khác nhau để tiếp cận tới người vay thông qua Internet.
Ông Vĩnh còn cho rằng, các công ty Fintech tại Việt Nam đang hoạt động theo mô hình P2P sẽ bị tác động xấu nếu Việt Nam không có biện pháp ngăn chặn kịp thời các doanh nghiệp tín dụng đen này của Trung Quốc. Hơn nữa, khác hàng sẽ có tâm lý e ngại, lo sợ khi tiếp cận dịch vụ tài chính số hoặc hiểu nhầm cho vay online là tín dụng đen bởi các công ty núp bóng kia thường sử dụng các hình thức thu đòi nợ kiểu “khủng bố tinh thần”, bôi nhọ người vay hoặc làm phiền người có liên quan trong danh bạ của người vay.
Phó Tổng giám đốc một NH TMCP chia sẻ trên truyền thông về vấn nạn này rằng “đa phần cổ đông cốt cán của công ty cho vay trực tuyến hiện nay đều xuất phát từ tín dụng đen. Thậm chí, tôi được biết, nhiều công ty P2P ở Việt Nam chỉ do người Việt đứng tên, còn ông chủ thực sự là người Trung Quốc. Họ thuê người Việt đứng tên thành lập công ty, thuê xã hội đen đòi nợ, đứng giữa ăn lãi khủng, nhưng không lộ mặt”.
Doanh thu hoạt động của ngành công nghệ Việt Nam giảm mạnh từ 30%- 90% vì Covid-19
Bizlive đưa tin về khảo sát của Bộ Thông tin & Truyền thông cho thấy, các doanh nghiệp trong mảng công nghiệp công nghệ (ICT) được đánh giá là đối tượng bị tác động lớn nhất trong đại dịch Covid-19, doanh thu của các doanh nghiệp trong mảng này đã giảm từ 30% đến 90%. Các dự án/hợp đồng với khách hàng của nhiều doanh nghiệp bị huỷ hoặc phải tạm dừng dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, cạn kiệt vốn dự trữ.
Nhập khẩu linh phụ kiện gặp khó khăn do các hạn chế về giao thương, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất. Công nợ không thể thu hồi do các đối tác, khách hàng cũng khó khăn về tài chính. Nguồn nhân lực cũng gặp khó khăn do thiếu nhân sự hoặc khó khăn trong việc giám sát nhân viên làm việc tại nhà.
Cụ thể, các khách hàng, đối tác của các doanh nghiệp ICT chủ yếu ở Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và các nước liên minh châu Âu (EU), những nước đang rơi vào tình trạng khủng hoảng do đại dịch. Tính đến tháng 3/2020, số lượng dự án từ khách hàng khu vực châu Âu đã giảm đến 60-70%. Số liệu sang tháng 4/2020 có khả quan hơn, lượng dự án từ các khách hàng, đối tác châu Á giảm khoảng 30% nhưng các hợp đồng đang trong giai đoạn đàm phán cũng bị tạm dừng cho tới khi hết dịch.
Đối với ngành giải trí trực tuyến như nền tảng video, mạng xã hội, nền tảng video, trong thời gian qua có nhiều lượng truy cập và theo dõi hơn nhưng doanh thu từ dịch vụ quảng cáo trên các kênh này lại giảm đáng kể, từ 15 đến 20% do nhiều khách hang gặp khó khăn về tài chính nên đã dừng các chiến dịch quảng cáo trực tuyến. Dự kiến xu hướng giảm này tiếp tục kéo dài và có thể giảm đến 50% so với cùng kỳ năm 2019.
Chưa sẵn sàng với thịt nhập khẩu giá rẻ, giá thịt lợn nội vẫn cao
Nhằm bình ổn giá thịt lợn trong nước, nhiều mặt hàng thịt lợn đông lạnh nhập khẩu từ Nga, Mỹ, Canada, Brazil đã được phân phối để phục vụ người tiêu dùng với các mặt hàng được người tiêu dùng Việt Nam thường xuyên sử dụng như sườn non, nạc đùi, xương ống, thịt ba chỉ,… với mức giá phải chăng và rẻ hơn 20.000 – 30.000 đồng/kg so với thịt lợn nội địa. Thậm chí nếu mua online qua mạng, thịt lợn nhập khẩu được bán với giả rẻ hơn khá nhiều.
Tuy nhiên, thay vì được lựa chọn để sử dụng để thay thế thịt nội địa, có những nơi giá rẻ hơn 50 – 60% lại khiến người tiêu dùng hoang mang và có tâm lý thăm dò do chưa quen sử dụng thịt nhập khẩu. Chính vì vậy, các doanh nghiệp nhập khẩu lại không dám nhập khẩu nhiều vì lo sợ không bán được hàng.
Bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc công ty xuất khẩu Hương Việt – một trong 21 doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn của Tập đoàn Miratorgcủa Liên bang Nga cho biết: “Hiện tại thói quen của người tiêu dùng vẫn thích dùng thịt nóng để chuyển sang sử dụng thịt đông lạnh cần có thời gian. Trong quá trình phân phối doanh nghiệp cũng giải thích với khách hàng về tiêu chuẩn chất lượng. Tại Việt Nam là kiểm dịch theo quy định, còn thịt lợn nhập khẩu cũng được thực hiện theo quy trình xuất khẩu và đạt tiêu chuẩn quốc tế, việc lựa chọn tiêu thụ sản phẩm vẫn chủ yếu là do người tiêu dùng”.
Trong khi đó, giá thịt lợn nội địa vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Theo khảo sát của BizLive tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, thịt ba chỉ khoảng 170.000 đồng/kg, sườn thăn từ 180.000-195.000 đồng/kg, tăng so với thời điểm đầu tháng 4. Tại các siêu thị, thịt lợn cùng loại của các doanh nghiệp còn cao hơn với mức giá lên tới 274.000 đồng/kg. Ngoài ra, với thời gian tái đàn lâu, mất khoảng 4 – 6 tháng để xuất chuồng cũng là một khó khăn thách thức cho Việt Nam từ nay tới cuối năm có thể bình ổn được giá thịt lợn.
Honda Việt Nam có khả năng chuyển đổi mô hình kinh doanh từ sản xuất sang nhập khẩu
Theo Vietnamnet, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thị trường suy giảm, Tổng Giám đốc Honda Việt Nam Keisuke Tsuruzono cho biết, sản lượng sản xuất ôtô dự kiến giảm 30% trong năm 2020 và có khả năng chuyển đổi mô hình kinh doanh từ sản xuất sang nhập khẩu.
Nhà máy ô tô Honda Việt Nam được khởi công từ tháng 6/2005 với các mẫu xe phổ biến như City, CR-V và Civic, tuy nhiên các mẫu Civic và CR-V đã chuyển sang nhập khẩu và hiện chỉ còn mẫu City thuộc phân khúc sedan hạng B là lắp ráp trong nước nhưng doanh số xe này cũng đang giảm.
Lý do là ngoài nguồn cung linh kiện thiếu hụt vì dịch Covid-19, còn bởi doanh số bán thấp, việc sản xuất và lắp ráp trong nước khó có thể cạnh tranh với xe nhập khẩu được hưởng ưu đãi 0%.
Không chỉ Honda Việt Nam, nhiều doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô đang mất dần lợi thế. Theo nhận định của Bộ Công thương, hạn chế của ô tô nội là giá bán cao so với các nước trong khu vực, các sản phẩm nội địa hóa có chất lượng thấp như săm, lốp ôtô, ghế ngồi, gương kính…Bên cạnh đó, việc gỡ bỏ rào cản hành chính với xe nhập khẩu, được hưởng thuế ưu đãi 0% khiến lượng xe nhập khẩu dự kiến sẽ tăng, khiến việc sản xuất ôtô trong nước đối mặt với rủi ro cao, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước.