Trên chiếc xe Honda Cup cũ, chẳng quản nắng mưa, cụ Trần Cang (99 tuổi, Sóc Trăng) miệt mài đem từng túi gạo, phần quà giúp đỡ những phận đời cơ nhỡ. Hàng chục năm qua, cụ đã giúp đỡ hơn 4.000 cảnh đời với số tiền trên 17 tỷ đồng.
- Phá vỡ “kỷ lục” của anh chị ruột, bé gái chào đời với cân nặng 5,9kg
- Đại uý công an tường trình gì khi đứng nhìn tài xế taxi vật lộn với cướp?
- Kiểm lâm Gia Lai mua thiết bị bảo vệ rừng giá gấp đôi thị trường
Đặt chân đến xã Phú Lâm, huyện Châu Thành, Sóc Trăng hỏi cụ Trần Cang, hẳn là người dân ở đây ai cũng biết về một cụ ông gốc Hoa mái tóc bạc phơ, gương mặt đôn hậu, cần cù chịu khó và hết lòng vì mọi người.
Cha chăm làm từ thiện, 10 người con đều thành đạt, sống tử tế
Theo báo Thanh Niên, cụ Lục Tấn Phát, bạn thân cụ Cang cho biết, còn vài tháng nữa là cụ Cang bước sang tuổi 100, nhưng trí óc vẫn minh mẫn, tinh thần tháo vát. Đặc biệt, cụ vẫn thường lấy chiếc xe máy mấy chục năm thâm niên chở cụ Phát đi xác minh những hoàn cảnh khó khăn, đi tặng quà cho bà con nghèo.
Chia sẻ với phóng viên, cụ Cang vui vẻ, kể: “Tôi có 10 người con, tất cả đều thành đạt. Các con tôi đứa nào cũng sống tử tế, tốt bụng, noi gương cha, hết lòng ủng hộ việc làm của tôi. Khi nào quỹ từ thiện cạn thì tụi nó tiếp sức. Hơn nữa, tôi có nghề làm bánh pía gia truyền, cuộc sống khá ổn định nên sẵn sàng nhường cơm sẻ áo. Giúp người bớt khổ, mình cũng vui lây”.
Thấy cụ làm việc thiện thành tâm, tiếng lành đồn xa, nên bà con hàng xóm, bạn bè xa gần, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đều hưởng ứng tích cực. Có người chưa gặp mặt cụ lần nào nhưng qua trao đổi bằng điện thoại, họ cũng sẵn lòng đóng góp. Từ đó, số người ủng hộ tiền và quà ngày càng đông… Theo sổ sách của cụ ghi chép, chỉ tính riêng từ năm 2000 đến nay, cụ đã tiếp nhận trên 17 tỷ đồng tiền mặt và nhiều quà vật chất trị giá hàng tỷ đồng.Việc thu chi tài chính đều được cụ lưu ghi rất cẩn trọng.
Một trong những người được cụ Cang giúp đỡ, anh Võ Văn Thành ở xã Phú Tâm chia sẻ với Zing, tám năm trước anh bị tai nạn, chấn thương sọ não, không tiền chữa trị. Anh Thành được cụ Cang kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ chi phí để anh phẫu thuật.
“Tôi mang ơn cụ Cang rất nhiều. Ông như người sinh tôi ra lần thứ hai vì nếu không có ông giúp đỡ thì chắc tôi đã mất mạng”, anh Thành nói.
Còn như trường hợp em Trúc Ly ở ấp Phú Thìn (xã Phú Tâm), sáu năm trước, suốt ngày Trúc Ly chỉ biết bò dưới nền nhà vì đôi chân không còn cử động được sau cơn sốt bại liệt. Thấy vậy bác Cang thuê xe chở Ly lên Sài Gòn trị bệnh. Thiếu tiền, bác chạy khắp nơi nhờ vả bạn bè mỗi người một ít để giúp Ly “Nhờ bác Cang mà hai chân của em đang dần hồi phục, chân phải đã đi được gần như bình thường”.
Không chỉ giúp người hoạn nạn, cụ Cang còn tìm đến các hộ nghèo để xem họ cần gì, các cháu nhỏ có thiếu tập sách, quần áo đến trường hay không để ông hỗ trợ kịp thời.
Đối với những người cao tuổi, sau khi đưa đi điều trị hết bệnh, cụ Cang còn nhận chu cấp 10 kg gạo mỗi tháng đến cuối đời. Ngoài ra cụ còn giúp bà con vùng sâu, vùng xa đóng trên 30 cây nước, làm nhiều cây cầu giao thông nông thôn, xây dựng hàng chục căn nhà tình thương…
“Mình làm việc thiện đâu nghĩ đến chuyện được trả ơn”
Cụ Trần Cang nói Tuổi Trẻ về tâm nguyện cá nhân: “Mình làm việc thiện đâu nghĩ đến chuyện được trả ơn, chỉ mong sao cuộc sống này giảm bớt đi những mảnh đời bất hạnh”.
Để có thể làm tốt việc cứu giúp người, cụ quan niệm, mọi thứ liên quan đến tài chính cần rõ ràng minh bạch. Cụ ghi chép kỹ lưỡng những khoản đóng góp, thu chi cụ thể và những cuốn sổ để khi cần có thể đối chiếu.
Những năm qua, dù tuổi cao, cụ Cang vẫn chạy xe gắn máy và chơi đá banh; đặc biệt sử dụng internet và smartphone một cách thành thạo. Cụ cười nói: “Thời buổi bây giờ, tụi trẻ đứa nào cũng sử dụng email, Zalo, Facebook… Nhờ cái điện thoại mà tôi mới nắm bắt được những thông tin nhanh chóng, nhất là tai nạn giao thông và những trường hợp cần cấp cứu”.
Từng là người đi theo cụ Cang làm từ thiện, chị Tuyết Hằng kể lại với báo Dân Trí: “Có lần, chúng tôi theo chân đoàn làm từ thiện của cụ Trần Cang đi phát gạo, nhu yếu phẩm thiết yếu và chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Gặp cụ, với nụ cười tươi tắn, dù đôi mắt đã hằn rất nhiều vết chân chim. Hỏi cụ làm công tác từ thiện lâu chưa, cụ chỉ cười nói là “từ thời son trẻ, lâu quá rồi, không nhớ nổi”.