Mục điểm tin cập nhật tối 3/5 xin gửi đến quý vị những nội dung chính sau:
Tin trong nước:
Hàng ngàn người từ miền Tây nối nhau về TP.HCM sau đợt lễ 30.4
Tài xế tông chết người rồi lái xe bỏ trốn
Ngày mai 72 tuyến xe buýt TP.HCM chạy lại
Quốc lộ 1 qua TP.HCM dày đặc… đinh trong kỳ nghỉ lễ
Tin thế giới:
“Ngón chân COVID-19” và 4 triệu chứng phát ban lạ của căn bệnh
Thủ tướng Anh đặt tên con gợi nhớ quãng thời gian điều trị COVID-19
Tình báo 5 nước nghi Trung Quốc nói dối về Covid-19
Những người có lượng vitamin D thấp dễ tử vong vì virus SARS-CoV-2 hơn
Dịch COVID – 19 gây giảm phát thải carbon nhiều nhất trong vòng 70 năm qua
Virus corona có thể ‘trốn’ sâu trong phổi người đã khỏi bệnh
Sau đây là nội dung chi tiết:
- Cập nhật trưa 3/5: CSGT bị tông gãy chân khi chặn nhóm đua xe; “Vết đỏ bí ẩn” trên cổ tay ông Kim Jong-un
- Cập nhật sáng 3/5: Nhóm người TQ làm giả thẻ ngân hàng rút trộm 300.000 USD; Hà Nội sắp nắng nóng trên 40 độ C
- Nhiều điểm đáng ngờ trong lần “tái xuất” mới đây của Kim Jong-un
Tin trong nước:
(Thanh Niên) – Hàng ngàn người từ miền Tây nối nhau về TP.HCM sau đợt lễ 30.4. Từ chiều tối 2/5 đến trưa nay 3/5, người dân bắt đầu trở về TP.HCM sau kỳ đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Nhiều đoạn đường dọc quốc lộ 1A rất đông người, nắng chói chang khiến người dân di chuyển vất vả.
Tại các khu vực giáp ranh với TP.HCM như Cầu Rạch Miễu (địa phận Tiền Giang) và huyện Bến Lức (Long An) dòng người lần lượt đội nắng trở về TP.HCM sau kỳ nghỉ lễ.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên dòng người về quê hay đi chơi lễ có vẻ ít hơn mọi năm, tuy có đông và ùn ứ nhưng không kẹt cứng như các năm trước. Tuy nhiên, trong cái nắng như đổ lửa, cảnh tượng di chuyển của người dân cũng rất vất vả.
(Lao Động) – Tài xế tông chết người rồi lái xe bỏ trốn. Chiều 3/5, Công an thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) thông tin về vụ tài xế xe ô tải điều khiển phương tiện gây tai nạn chết người rồi bỏ trốn khỏi hiện trường.
Trước đó, khoảng 21h40 ngày 26/4, Công an thị xã Hương Thủy nhận được tin báo về vụ tai nạn giao thông tại Km31+200 thuộc địa phận phường Phú Bài (thị xã Hương Thủy) giữa ô tô tải với người đi bộ làm nạn nhân tử vong tại chỗ. Sau khi gây tai nạn, tài xế và phương tiện đã rời khỏi hiện trường.
(Tuổi Trẻ) – Ngày mai 72 tuyến xe buýt TP.HCM chạy lại. Ngày 3/5, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết từ 4-5 sẽ khôi phục hoạt động của 72 tuyến xe buýt trên địa bàn sau thời gian tạm ngưng hoạt động do dịch bệnh.
(Tuổi Trẻ) – Quốc lộ 1 qua TP.HCM dày đặc… đinh trong kỳ nghỉ lễ. Vào những kỳ nghỉ lễ số lượng xe trên đường tăng đột biến cũng chính là lúc các điểm nóng rải đinh trước nay lại nóng lên với dày đặc đủ loại đinh.
Tại nhiều địa điểm nóng về nạn ‘đinh tặc’ trước nay đã xuất hiện trở lại như: đường Tô Ngọc Vân, cầu An Phú Đông 2, ngã 3 Vườn Lài (quận 12), ngã tư Bà Điểm (huyện Hóc Môn), khu vực vòng xoay Tân Tạo (Bình Tân).
Phức tạp nhất là quốc lộ 1 khu vực vực ngã 3 Vườn Lài (phường An Phú Đông, quận 12), đinh rải dày đặc trên mặt đường, các mảnh đinh được rải số nhiều tại làn đường dành cho xe máy.
Chưa đầy 100m trên quốc lộ 1 đã có khoảng 200 mảnh đinh đủ các loại nhưng đa số là dạng đinh hình thoi, nhiều trường hợp người đi đường bị cán trúng đinh nên phải dẫn bộ xe.
Đến nay tình trạng ‘đinh tặc’ vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Tin thế giới:
(Lao Động) – “Ngón chân COVID-19” và 4 triệu chứng phát ban lạ của căn bệnh. “Ngón chân COVID-19” và 4 triệu chứng phát ban của căn bệnh đã được nhóm các bác sĩ ở Tây Ban Nha nghiên cứu và phát hiện ra.
Không có gì lạ khi triệu chứng phát ban xuất hiện nếu nhiễm virus, chẳng hạn như phát ban khi mắc bệnh thủy đậu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết họ rất ngạc nhiên khi thấy nhiều loại phát ban xuất hiện ở bệnh nhân Covid-19.
Đã có nhiều báo cáo về “ngón chân Covid-19” – phát ban xuất hiện ở bàn chân của bệnh nhân mắc Covid-19 ngay cả khi không có các triệu chứng khác. Tuy nhiên, tiến sĩ Ignacio Garcia-Doval, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết, dạng phát ban phổ biến nhất trong nghiên cứu là maculopapules – nhỏ, phẳng, màu đỏ và xuất hiện ở phần thân của cơ thể.
“Thật kỳ lạ khi thấy một số loại phát ban khác nhau xuất hiện sau khi bệnh nhân có các biểu hiện của bệnh Covid-19” – BBC dẫn lời tiến sĩ Garcia-Doval.
Bài nghiên cứu đánh giá về triệu chứng này được công bố trên tạp chí Da liễu Anh vào tuần này.
Các bác sĩ Tây Ban Nha tiến hành nghiên cứu và theo dõi 375 bệnh nhân mắc Covid-19, cho thấy có 5 loại phát ban của bệnh COVID-19 gồm có “Ngón chân Covid-19” và 4 triệu chứng phát ban khác.
(Tiền Phong) – Thủ tướng Anh đặt tên con gợi nhớ quãng thời gian điều trị COVID-19. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đặt tên con trai mới sinh là Wilfred Lawrie Nicholas Johnson để vinh danh các bác sĩ đã giúp ông điều trị COVID-19.
Theo CNN, con trai Thủ tướng Boris Johnson chào đời hôm thứ Tư, 29/4, và được cha đặt tên là Wilfred Lawrie Nicholas Johnson.
Lí giải về tên con trai, bà Carrie Symonds – bạn gái Thủ tướng Johnson – cho biết: “Tên Wilfred được đặt theo ông của Boris. Lawrie là tên của ông tôi. Nicholas là tên của hai bác sĩ đã điều trị cho Boris hồi tháng trước – bác sĩ Nick Price và bác sĩ Nick Hart.”
Hiện bà Symonds và con trai Wilfred vẫn khỏe.
Con trai Wilfred chào đời khi ông Boris Johnson vừa trở lại làm việc 2 ngày, sau 3 tuần điều trị COVID-19.
(Vnexpress) – Tình báo 5 nước nghi Trung Quốc nói dối về Covid-19. Truyền thông Australia ngày 2/5 công bố tài liệu 15 trang thu thập được từ liên minh tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes), trong đó cáo buộc Trung Quốc cố tình “làm chìm xuồng hoặc hủy hoại” bằng chứng về đại dịch Covid-19.
Tài liệu tình báo này cho rằng chính phủ Trung Quốc che đậy thông tin về virus bằng cách bác bỏ khả năng lây từ người sang người của virus corona chủng mới, “bịt miệng” các bác sĩ cảnh báo sớm, xóa bằng chứng trong phòng thí nghiệm và không chịu cung cấp mẫu sinh phẩm cho các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu vaccine. Báo cáo cho rằng hành động này của Bắc Kinh “gây nguy hiểm cho các nước khác” và không khác gì “đòn công kích vào sự minh bạch quốc tế”.
Báo cáo của Ngũ Nhãn cho biết Trung Quốc bắt đầu kiểm duyệt các công cụ tìm kiếm từ đầu tháng 12/2019 để ngăn việc tìm kiếm thông tin về virus Vũ Hán trên Internet. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi đó ủng hộ tuyên bố của Trung Quốc cũng như phủ nhận khả năng virus truyền từ người sang người, bất chấp lo ngại của nhiều nước trên thế giới.
(Tiền Phong) – Những người có lượng vitamin D thấp dễ tử vong vì virus SARS-CoV-2 hơn. Theo một nghiên cứu sơ bộ của các nhà khoa học Anh, những người có lượng vitamin D thấp dễ bị tử vong do virus corona chủng mới hơn.
Các nhà nghiên cứu tại Queen Elizabeth Hospital Foundation Trust và Đại học East Anglia ở Anh đã so sánh mức vitamin D trung bình của 20 quốc gia châu Âu với tỷ lệ tử vong do Covid-19 và tìm thấy mối liên quan đáng kể giữa mức độ vitamin D và số ca tử vong khi nhiễm bệnh.
Nghiên cứu ghi nhận rằng các quốc gia Bắc Âu thiếu ánh nắng mặt trời là những quốc gia có nguy cơ cao nhất.
Phát hiện này phù hợp với nghiên cứu trước đây cho thấy mức vitamin D đầy đủ có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp.
(Tiền Phong) – Dịch COVID – 19 gây giảm phát thải carbon nhiều nhất trong vòng 70 năm qua. Theo một báo cáo mới của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đại dịch COVID-19 đang gây ra sự sụt giảm chưa từng thấy trong nhu cầu năng lượng toàn cầu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm lượng phát thải khí carbon nhiều nhất trong vòng 70 năm qua. Bên cạnh tác động của virus corona chủng mới, sự sụt giảm nhu cầu còn liên quan đến một mùa đông ôn hòa trên khắp nước Mỹ.
Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, bước khởi động lại chật vật, sự gián đoạn đối với các chuỗi cung ứng toàn cầu và một làn sóng dịch bệnh thứ hai bùng phát vào cuối năm 2020 có thể làm giảm sự tăng trưởng hơn nữa.
(Zing) – Virus corona có thể ‘trốn’ sâu trong phổi người đã khỏi bệnh. Theo một nghiên cứu ở Trung Quốc đăng ngày 28/4 trên tạp chí Cell Research, bệnh nhân Covid-19 đã ra viện có thể vẫn mang virus sâu trong phổi, mà các phương pháp xét nghiệm thông thường không phát hiện ra.
Nghiên cứu này có thể giải thích vì sao có nhiều bệnh nhân đã hồi phục lại dương tính trở lại.
Nghiên cứu dựa trên khám nghiệm đối với một phụ nữ 78 tuổi tử vong vì Covid-19. Bệnh nhân này đã xét nghiệm âm tính ba lần, và triệu chứng đã cải thiện, chụp CT cũng khả quan, chuẩn bị ra viện ngày 13/2. Nhưng chỉ một ngày sau, bệnh tình của bà xấu đi nhanh chóng, và bà qua đời sau cơn đau tim.
Các nhà nghiên cứu phát hiện những mẫu virus hoàn chỉnh bên trong mô sâu dưới phổi của bệnh nhân và không gây triệu chứng nào rõ rệt.