Mục điểm tin cập nhật trên các trang báo sáng 6/6 xin gửi đến quý vị những nội dung chính sau
Tin trong nước
- Nguyệt thực nửa tối kỳ thú
- Kit thử nhanh nCoV của Việt Nam hiển thị bằng màu
- Phi công người Anh ổn định sau hai ngày cai ECMO
- Nam công nhân bị điện giật chết tại công trường
- Gắp giun dài 60cm ra khỏi chân bệnh nhân
Tin thế giới
- Úc hỗ trợ Việt Nam hơn 10 triệu đô ứng phó dịch Covid-19
- Tàu sân bay của Mỹ trở lại Thái Bình Dương, tiến về biển Philippines
- Mỹ chuẩn bị để đáp trả ADIZ của Trung Quốc trên Biển Đông
- Phân tích bình luận Biển Đông: Trung Quốc yêu sách, Mỹ tăng cường hiện diện, Việt Nam ‘tọa sơn quan hổ đấu’
- Thượng nghị sỹ Mỹ ủng hộ việc trừng phạt Trung Quốc trên cả phương diện quốc gia và cá nhân
- Điểm tin kinh tế: Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung; FB cho phép mua hàng trực tuyến
Sau đây là nội dung chi tiết
Tin trong nước
(Lao Động) – Nguyệt thực nửa tối kỳ thú. Theo Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội (HAS), sáng 6/6 tại Việt Nam có thể quan sát hiện tượng nguyệt thực nửa tối. Hiện tượng này xảy ra khi Mặt Trăng đi qua vùng tối một phần của bóng Trái Đất, hay còn gọi là vùng nửa tối. Với loại nguyệt thực này, Mặt Trăng sẽ bị tối đi một chút chứ không tối đi hoàn toàn. Hiện tượng nguyệt thực nửa tối lần này sẽ quan sát được ở Châu Âu, Châu Phi, Châu Á, Châu Úc và Ấn Độ Dương.
Toàn bộ quá trình diễn ra hiện tượng có thể quan sát được ở Việt Nam. Chi tiết như sau:
Nguyệt thực nửa tối bắt đầu: 00h45; Cực đại nguyệt thực: 02h24; Nguyệt thực nửa tối kết thúc: 04h04
(VnExpress) – Kit thử nhanh nCoV của Việt Nam hiển thị bằng màu. Chiều 5/6 tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ Việt Nam giới thiệu hai bộ kit xét nghiệm nhanh nCoV sử dụng công nghệ khuếch đại đẳng nhiệt (RT-LAMP) và RT-PCR.
Đây là kết quả nghiên cứu TS Lê Quang Hòa, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội và TS Nguyễn Lê Thu Hà, Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Quốc tế Innogenex, Công ty Cổ phần Sao Thái Dương là đơn vị sản xuất.
Để xét nghiệm nCoV, người bệnh được lấy mẫu dịch hầu họng để tách chiết RNA. Sau đó, dung dịch RNA này được cho vào hỗn hợp phản ứng để thực hiện quá trình khuếch đại dựa trên kĩ thuật RT-LAMP. Sự đổi màu của chất chỉ thị từ đỏ sang vàng hoặc từ tím sang xanh da trời tương ứng với mẫu dương tính. Nếu chất chỉ thị giữ nguyên màu, kết quả âm tính.
(VnExpress) – Phi công người Anh ổn định sau hai ngày cai ECMO. Chiều 5/6, Tiểu ban điều trị Covid-19 đánh giá tình trạng bệnh nhân còn nặng dù đã ngưng được ECMO. Anh cần nhiều tuần để cai máy thở và phục hồi chức năng vận động. Trong quá trình hồi phục, bệnh nhân có thể bị những đợt nhiễm trùng mới.
Bệnh nhân hiện tỉnh. Sức cơ tứ chi vẫn ở mức hoạt động chi trên 3/5, chi dưới 2/5. Tình trạng viêm phổi do vi khuẩn Burkholderia cenocepacia khả quan hơn, đờm đã chuyển từ dạng mủ sang loãng trong. Đặc biệt, phổi phục hồi được gần 60%.
Hiện, bệnh nhân vẫn thở máy, kết hợp dùng kháng sinh, truyền kháng đông liên tục, được tập vật lý trị liệu ngày hai lần, tăng cường dinh dưỡng bằng cách nuôi ăn qua tĩnh mạch. Bệnh nhân có vết loét vùng cùng cụt do nằm lâu ngày, bác sĩ đang chăm sóc tổn thương.
(Tuổi Trẻ) – Nam công nhân bị điện giật chết tại công trường. Vào trưa ngày 5/6, một số công nhân đang làm việc tại công trình xây dựng trên đường Bà Điểm 12 (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) thì bất ngờ xảy ra sự cố điện khiến một người bị điện giật.
Nạn nhân sau đó được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. Bước đầu nạn nhân tử vong được xác định là anh Bùi Văn Đ. (22 tuổi, quê Kiên Giang).
(Pháp Luật VN) – Gắp giun dài 60cm ra khỏi chân bệnh nhân. Từ trước Tết, thanh niên 23 tuổi ở Yên Bái thấy đau mỏi toàn thân từ trước tết. Tay và chân anh nổi những khối áp xe nhỏ, thi thoảng thấy vết giun ở dưới da. Anh được người nhà đưa đi khám ở nhiều cơ sở y tế nhưng không phát hiện bệnh nên tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cơ sở Giải Phóng, khám ngày 12/5.
Ban đầu, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc giun hoặc sán thường gặp và điều trị tại khoa Virus – Ký sinh trùng. Tuy nhiên, giun không có thuốc đặc trị, bác sĩ phải phẫu thuật gắp giun và vệ sinh vùng áp xe để điều trị triệt để. Bệnh nhân được chuyển đến cơ sở Đông Anh ngày 22/5 để phẫu thuật.
Ban đầu xuất hiện ở chân, dần lan lên cánh tay, khi mở ổ áp xe, soi dưới thiết bị thì thấy có ấu trùng. Vì có quá nhiều giun nên bệnh nhân được cho uống thuốc để giun trưởng thành tự bộc lộ. Lần đầu tiên phẫu thuật, bác sĩ gắp ra một con giun dài khoảng 60cm.
Hôm nay, các bác sĩ tiếp tục gắp được hai con giun dài khoảng 30cm ở bắp tay bệnh nhân. Đến nay, đã gắp được 5 con giun trưởng thành. Đây là loại giun tên là Dracunculus medinensis chưa từng xuất hiện ở Việt Nam.
Tin thế giới
(Dân Trí) – Australia hỗ trợ Việt Nam hơn 10 triệu đô phục hồi kinh tế hậu Covid-19. Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hà Nội vào chiều 5/6, Đại sứ quán Mudie cho biết, Chính phủ Australia cam kết hỗ trợ 10,5 triệu đôla Australia nhằm trợ giúp Việt Nam ứng phó và phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19.
Theo Đại sứ Mudie, đây là một bước tăng cường hơn nữa hoạt động hợp tác kinh tế và phát triển giữa hai nước.
Ngoài ra, các chương trình hợp tác hàng đầu giữa Australia và Việt Nam như phát triển nguồn nhân lực, cải cách kinh tế, cơ sở hạ tầng, bình đẳng giới, nông nghiệp, du lịch và đổi mới sáng tạo, cũng đang hỗ trợ các ưu tiên giúp Việt Nam phục hồi kinh tế.
Theo Đại sứ quán Australia, trên khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Australia đã và đang tiến hành một sự chuyển đổi chưa từng có trong các mối quan hệ đối tác phát triển nhằm tăng cường hỗ trợ an ninh y tế, phục hồi và ổn định kinh tế để ứng phó với đại dịch Covid-19.
(Tuổi Trẻ) – Tàu sân bay của Mỹ trở lại Thái Bình Dương, tiến về biển Philippines. Theo Hãng tin AP, USS Theodore Roosevelt đã rời cảng tại Guam, Mỹ, để tiến về biển Philippines vào hôm 4/6.
Trước đó từ ngày 27/3, tàu USS Theodore Roosevelt đã nằm lại Guam sau khi hàng loạt thủy thủ mắc Covid-19. Hơn 1.000 người trên con tàu này đã nhiễm, dẫn tới việc 4.000 người phải trải qua quá trình cách ly lẫn điều trị, và khoảng 800 người ở lại tàu để bảo vệ và vận hành hệ thống, bao gồm công việc liên quan đến động cơ hạt nhân.
Đáng chú ý, thông tin về tình hình Covid-19 trên USS Theodore Roosevelt nổ ra không lâu sau khi còn tàu này ghé thăm Việt Nam, cập cảng Đà Nẵng.
(Thanh Niên) – Mỹ chuẩn bị để đáp trả ADIZ của Trung Quốc trên Biển Đông. Cựu đại tá hải quân Mỹ Carl O.Schuster cho rằng: “Việc Mỹ vừa có văn bản gửi LHQ để phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, nhằm thiết lập sự viện dẫn dựa theo luật pháp quốc tế để sẵn sàng đáp trả các hành động của Bắc Kinh, trong đó có nguy cơ Trung Quốc thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông”.
“Thực tế, nhiều khả năng Trung Quốc có kế hoạch thành lập ADIZ ở Biển Đông. Tuy Bắc Kinh chưa tuyên bố ADIZ ở Biển Đông trong năm nay, nhưng điều này có thể diễn ra vào năm sau. Trung Quốc có thể đang chờ đợi kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới và muốn hệ thống tên lửa đối không tại bãi đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa được lắp đặt hoàn thiện. Thực sự, khi tính toán thấy có đủ khả năng xử lý các phản ứng của quốc tế, Bắc Kinh sẽ tuyên bố ADIZ ở Biển Đông”, ông giải thích thêm.
Theo đại tá Schuster, Mỹ đang sẵn sàng khung pháp lý để đáp trả việc Trung Quốc tuyên bố ADIZ ở Biển Đông. Không dừng lại ở đó, các nước trong khu vực cần có sự thống nhất để gây sức ép với Trung Quốc.
Thậm chí các nước ASEAN có thể cùng phối hợp thực hiện biện pháp pháp lý để chống lại Trung Quốc, mà tuyên bố của Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague (PCA) là một nền tảng.
Để tạo ra sự thống nhất và phối hợp hiệu quả giữa ASEAN với Mỹ thì cần có sự gắn kết nhiều mặt, bao gồm cả hoạt động hợp tác kinh tế. Điển hình như ASEAN có thể kết hợp để đóng vai trò thay thế Trung Quốc trong chuỗi giá trị sản xuất với Mỹ. ASEAN cũng cần công khai vấn đề liên quan tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trước toàn thế giới.