Site icon Tin360

Cập nhật sáng 25/7: Việt Nam thêm 2 bệnh nhân Covid-19 mới; Hà Nội tiếp tục yêu cầu đeo khẩu trang

Khu vực cách li điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Đà Nẵng.

Khu vực cách li điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Đà Nẵng - ảnh: Nhân Dân.

Mục điểm tin cập nhật trên các trang báo sáng 25/7 xin gửi đến quý vị những nội dung chính sau

Tin trong nước:

Tin thế giới:

Sau đây là những nội dung chi tiết

Tin trong nước

(Thanh Niên) – Hà Nội tiếp tục yêu cầu đeo khẩu trang ở những nơi công cộng tập trung đông người. UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản gửi các sở, ban, ngành TP và các quận, huyện, thị xã về phòng, chống dịch Covid-19.

Nhận định nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập cao, Hà Nội yêu cầu tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chủ động, trước hết là sẵn sàng truy vết, xét nghiệm nhanh, rửa tay, đeo khẩu trang nơi công cộng tập trung đông người.

(VnExpress) – Lần thứ hai trong tháng 7 vỡ Đường ống nước sông Đà, Hà Nội bị cắt nước cục bộ. Ngày 24/7, lãnh đạo Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã có thông báo về việc cắt nước sạch tạm thời do sự cố vỡ đường ống tại vị trí km17 + 300 trên đại lộ Thăng Long vào khoảng 10 giờ sáng cùng ngày.

Theo dự kiến, khoảng 19 giờ 30 phút cùng ngày sẽ khắc phục xong sự cố để cấp nước trở lại. Đến sáng ngày 25/7 người dân Hà Nội sẽ được cấp nước sạch như bình thường.

Nhà máy nước sạch sông Đà do Công ty CP nước sạch sông Đà (Viwasupco) quản lý, cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 280.000 hộ dân thủ đô. Trước đây đường ống truyền tải đã hơn 20 lần gặp sự cố; một trong những nguyên nhân là chất lượng ống cốt sợi thủy tinh không đảm bảo thiết kế, độ bền không đạt 50 năm như yêu cầu của dự án.

(Tuổi Trẻ) – Dừng các chuyến bay quốc tế đến và đi từ sân bay Đà Nẵng sau ca dương tính lần 3 với Covid-19. Ông Võ Huy Cường – phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, chiều 24/7 ông đã nhận được tin nhắn của quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long về đề nghị dừng các chuyến bay quốc tế đến và đi từ sân bay Đà Nẵng. Tin nhắn này được lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải chuyển đến.

Yêu cầu trên được đưa ra sau cuộc họp của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 vào chiều 24/7, và có hiệu lực ngay lập tức.

Tuy nhiên, có 1 chuyến bay đưa chuyên gia đến Đà Nẵng trong chiều tối 24-7 theo lịch đã lên từ trước, nên Cục Hàng không xin phép cho chuyến bay này hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng.

Còn các chuyến bay khác, trong đó có chuyến bay đưa người Việt Nam từ Canada về nước ngày 25-7 dự kiến hạ cánh tại sân bay Đà Nẵng theo kế hoạch, sẽ phải chuyển hướng đến sân bay khác. Các chuyến bay nội địa vẫn hoạt động bình thường tại sân bay Đà Nẵng.

(Tuổi Trẻ) – Thêm 2 bệnh nhân Covid-19 mới, Việt Nam ghi nhận 415 ca. Sáng nay 25/7, Bộ Y tế cho biết có thêm 2 bệnh nhân Covid-19 mới vừa được xác nhận, đều là người Việt Nam mới ở nước ngoài về và đều được cách ly ngay.

Theo đó ca bệnh 414 (bệnh nhân 414) là nam, 34 tuổi, có địa chỉ tại xã Đại Hợp, Kiến Thụy, Hải Phòng; ca bệnh 415 (bệnh nhân 415) cũng là nam, 25 tuổi, có địa chỉ tại xã Ninh sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Ngày 1/7, cả hai từ Liên bang Nga (quá cảnh Belarus) về Sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN5062, được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Trung đoàn 855, tỉnh Ninh Bình.

Hiện cả 2 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Phòng khám đa khoa khu vực Cầu Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Tin thế giới

(RFI) – Indonesia tịch thu tàu cá Việt Nam, bắt giữ 20 người. Theo tin của chính quyền Indonesia ngày 22/7, hai tàu cá Việt Nam đã bị tịch thu khi đánh bắt trái phép trong vùng biển Indonesia sát Biển Đông. 

Theo Jakarta, trước đó hai bên đã có « một trận hải chiến dữ dội », thủy thủ Việt Nam không muốn bị bắt đã kháng cự mãnh liệt trong gần 2 tiếng đồng hồ. Về phía Indonesia có nhiều người bị rơi xuống biển. Sự cố xẩy ra trong tuần qua và gần 20 người Việt Nam và Cam Bốt đã bị bắt giữ.

(Dân Trí) – Mỹ đã bắt giữ nhà khoa học ‘cố thủ’ trong lãnh sự quán Trung Quốc. Một quan chức cấp cao Bộ Tư pháp Mỹ hôm 24/7 cho biết, bà Tang Juan đã bị lực lượng chấp pháp ở Mỹ áp giải vào tối 23/7 theo giờ địa phương tại thành phố San Francisco, bang California. Tuy nhiên, quan chức này không nêu chi tiết vụ bắt giữ.

Bà Tang là nhà nghiên cứu người Trung Quốc làm việc tại Đại học California. Bà bị cáo buộc gian lận thị thực khi khai rằng bà không phục vụ trong quân đội Trung Quốc, nhưng các nhà điều tra đã phát hiện các bức ảnh cho thấy người phụ nữ này mặc quân phục Trung Quốc. Giới điều tra Mỹ cũng phát hiện bà Tang là nhà nghiên cứu làm việc tại Đại học Quân Y của Không quân Trung Quốc. Bà Tang bị nghi đã “cố thủ” suốt một tháng qua tại lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố San Francisco sau khi bị FBI thẩm vấn hôm 20/6.

Bà Tang là 1 trong 4 nhà nghiên cứu bị truy tố và bắt giữ tại Mỹ thời gian gần đây. Theo quan chức Bộ Tư pháp Mỹ, bà Tang không được hưởng “miễn trừ ngoại giao. Theo kế hoạch, bà Tang sẽ ra hầu tòa vào hôm qua (theo giờ địa phương).

(Thời Đại) – Mỹ khẳng định lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston là ‘ổ gián điệp khổng lồ’ đánh cắp tài sản trí tuệ. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á, ông David Stilwell, khẳng định lãnh sự quán ở Houston là “trung tâm” các hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc với các binh sĩ đội lốt sinh viên tới Mỹ học tập và đánh cắp các nghiên cứu về nước.

Cùng với đó, phát biểu tại một sự kiện ở bang California hôm 23/7 với chủ đề về mối đe dọa của Trung Quốc với thế giới, Ngoại trưởng Mike Pompeo nhận định: “Tuần này chúng tôi đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston vì đây là ổ gián điệp và đánh cắp tài sản trí tuệ”.

Theo New York Times, không rõ bằng cách nào, phía Mỹ đã thu thập được một tài liệu dài 7 trang liệt kê các cuộc điều tra của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) có liên quan đến lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston.

Giám đốc FBI Christopher Wray cho hay, trước đó, cứ cách 10 tiếng, cơ quan này lại mở một cuộc điều tra phản gián liên quan Trung Quốc và trong các ví dụ ông đưa ra, có bốn trường hợp nằm trong khu vực phụ trách của lãnh sự quán Houston.

(RFI) – Mỹ dồn dập ra đòn, Trung Quốc lúng túng tìm thế đáp trả. Căng thẳng Mỹ – Trung không ngừng gia tăng cường độ, khi hai bên liên tục ra đòn và trả đũa lẫn nhau trong những thời qua. Đỉnh điểm là trong những ngày gần đây, Bắc Kinh và Washington lần lượt ra lệnh đối phương đóng cửa tòa lãnh sự: Một của Trung Quốc tại Houston và một của Mỹ tại Thành Đô. Trong cuộc đọ sức này, bài toán khó nhất với Bắc Kinh: Làm thế nào đáp trả mà không mà không đoạn tuyệt hoàn toàn với Hoa Kỳ?

Từ chiến dịch chống Huawei trong hồ sơ mạng 5G, các biện pháp trừng phạt nhắm vào những quan chức Hồng Kông cũng như là vùng tự trị Tân Cương, cho đến thay đổi lập trường 180° về những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông… và giờ là cáo buộc Bắc Kinh gửi nhân viên tình báo quân đội đến do thám, đánh cắp các dữ liệu về thương mại, quân sự, thậm chí cả y học.

Vậy đáp trả những đòn đánh của Washington bằng cách nào? Đây chính là câu hỏi đang gây chia rẽ trong nội bộ ban lãnh đạo Trung Quốc, theo như nhận định của New York Times. Phe an ninh tình báo và quân đội phản đối mạnh mẽ mọi ý định hòa giải, có thể bị Hoa Kỳ diễn giải cho đấy là một sự nhu nhược. Ngược lại, nhiều lãnh đạo Trung Quốc, chủ trương cứu vãn nền kinh tế, muốn đáp trả có chừng mực hơn đồng thời vẫn giữ cho thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 không bị « sứt mẻ ».

Tuy nhiên, du là lựa chọn theo cách nào thì Trung Quốc vẫn khó có thể giải được bài toán khó mà Washington đưa ra, khi mà tổng thống Trump không có ý định hạ nhiệt căng thẳng như những lần trước. Cả hai chính đảng của Mỹ đều đồng lòng chống Trung Quốc. Trong hoàn cảnh này, giới phân tích nhận định Trung Quốc khó có hy vọng cải thiện mối quan hệ, ngay cả trong trường hợp ông Joe Biden, đối thủ của Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng, có thắng cử đi chăng nữa.

Cập nhật tối 24/7: Ca nghi mắc Covid-19 tại Đà Nẵng tiên lượng nặng, đang thở máy