Mục điểm tin cập nhật trên các trang báo sáng 16/7 xin gửi đến quý vị những nội dung chính sau
Tin trong nước:
- Ca mổ tách 2 bé song sinh dính liền thành công
- Covid-19: Thêm 8 ca mới, chuẩn bị đón 116 người Việt nhiễm bệnh ở châu Phi
- Khối tài sản khổng lồ của ba mẹ con cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa
- Việt Nam hoan nghênh lập trường của Mỹ về Biển Đông
- Mỹ có thể công nhận Hoàng Sa của Việt Nam
Tin thế giới:
- Mỹ có thể trừng phạt các quan chức Trung Quốc vì Biển Đông
- Trung Quốc cảnh báo trả đũa sau vụ Mỹ ngừng ưu đãi kinh tế với Hong Kong
- Việt Nam muốn khôi phục đường bay, nhưng Trung Quốc chưa đồng ý
- Kinh tế Trung Quốc quý 3/2020 đầy bất trắc
- New York Times di dời dịch vụ kỹ thuật số từ Hồng Kông sang Seoul
- Cập nhật tối 15/7: Hai bé song sinh phục hồi ‘rất khả quan’; Tiết lộ thời điểm cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa ‘ra nước ngoài’
- Video: Tách thành công 2 bé song sinh dính nhau hiếm gặp, phức tạp nhất Việt Nam
- Trung Quốc: Hơn 400 con sông vượt mức báo động, miền Bắc nguy cơ đón lũ lớn
Sau đây là nội dung chi tiết
Tin trong nước
(VnExpress) – Ca mổ tách 2 bé song sinh dính liền thành công. 18h40 ngày 15/7, ca mổ tách Trúc Nhi – Diệu Nhi kết thúc thành công, sau mổ, hai em được chuyển tới Khoa Hồi sức Ngoại, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, theo dõi sát tình trạng sức khỏe.
Trong suốt 13 giờ, gần 100 chuyên gia, y bác sĩ đã gây mê, phẫu thuật, sắp xếp các cơ quan nội tạng, cắt tách xương, tách rời hai bé, tạo hình các bộ phận khiếm khuyết, nắn chỉnh khung xương cho các em. Ca mổ thành công sẽ giúp hai trẻ có được cuộc sống khỏe mạnh, bình thường, sau 13 tháng dính liền nhau kể từ chào đời.
Các bác sĩ cho biết hậu phẫu cũng sẽ là một hành trình gian truân không kém.
(Tuổi Trẻ) – Covid-19: Thêm 8 ca mới, chuẩn bị đón 116 người Việt nhiễm bệnh ở châu Phi. Chiều tối 15/7, Bộ Y tế cho biết vừa ghi nhận thêm 8 ca bệnh Covid-19 mới, đều là chuyên gia người Nga vừa đến Việt Nam hôm 11/7. Bộ Y tế cũng cho biết đang bàn bạc, 10 ngày nữa sẽ có máy bay đi đón 116 công dân mắc Covid-19 ở châu Phi về nước.
(VietNamNet) – Khối tài sản khổng lồ của 3 mẹ con cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa. Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa từng lọt top những người phụ nữ giàu nhất Việt Nam. Còn hai ái nữ của bà Thoa là Nguyễn Thái Nga và Nguyễn Thái Quỳnh Lê không chỉ sở hữu số cổ phiếu khủng mà còn đang nắm chức vụ quan trọng tại CTCP Bóng đèn Điện Quang (DQC).
Trước khi bị kỷ luật, bà Thoa sở hữu trực tiếp hơn 1,6 triệu cổ phiếu DQC, tương đương 4,91% vốn điều lệ của Điện Quang.
Theo báo cáo, nhà cựu Thứ trưởng Thoa hiện vẫn nắm giữ khoảng 30% cổ phần tại Bóng đèn Điện Quang. Bà Nga hiện là thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ và nắm giữ 4,125 triệu cổ phiếu DQC, tương đương 12% vốn điều lệ. Còn bà Nguyễn Thái Quỳnh Lê – em gái bà Nga, đang sở hữu 2,23 triệu cổ phiếu, tương đương 6,49% vốn điều lệ DQC.
Ngoài ra bà Quỳnh Lê còn là đồng sáng lập và điều hành chuỗi nhà hàng và coffee tại Hà Nội; đồng sáng lập, Chủ tịch HĐQT Công ty AM Holdings, đơn vị sở hữu và kinh doanh tòa nhà AM Saigon với hàng trăm căn hộ dịch vụ tại TP.HCM. Từ năm 2018 đến nay, bà là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường THCS – THPT Đinh Tiên Hoàng.
(Thanh Niên) – Việt Nam hoan nghênh lập trường của Mỹ về Biển Đông. Chiều 15/7, Bộ Ngoại giao đã phát đi thông điệp của Người phát ngôn liên quan đến lập trường của Mỹ về yêu sách ở Biển Đông. Theo đó, bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 36, rằng Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.
Trước đó, trong tuyên bố lập trường của Mỹ đối với các yêu sách ở Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc như “đường 9 đoạn”.
“Mỹ bác bỏ mọi yêu sách biển của Trung Quốc tại vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính ngoài khơi Việt Nam, cụm bãi cạn Luconia ngoài khơi Malaysia, vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Brunei và đảo Natuna Lớn ngoài khơi Indonesia. Bất kỳ hành động nào của Trung Quốc quấy rối hoạt động nghề cá hoặc phát triển dầu khí của các nước khác ở những vùng biển này – hoặc thực hiện các hoạt động đó một cách đơn phương – là phi pháp”, tuyên bố nêu rõ.
Trước đó, phía Philippines, Indonesia cũng đã ra tuyên bố hoan nghênh lập trường này của Mỹ.
(Tuổi Trẻ) – Mỹ có thể công nhận Hoàng Sa của Việt Nam. Sau thời gian giữ trung lập đối với yêu sách chủ quyền trên các đảo trong khu vực, Washington đã thay đổi lập trường khi tuyên bố bác bỏ các yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Đồng thời tiến hành các đợt tuần tra tự do hàng hải để nhấn mạnh điều này.
Một số lựa chọn của Mỹ sẽ là:
Về yêu sách hàng hải, sẽ công nhận và tiếp nhận rõ ràng việc giải thích và áp dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 về Biển Đông như đã nêu trong phán quyết của Tòa trọng tài. Điều này sẽ phù hợp với các đợt đợt tuần tra tự do hàng hải của Mỹ đến nay, và sẽ mang tới sự hỗ trợ bổ sung cho quan điểm của ASEAN.
Về yêu sách lãnh thổ, Mỹ có thể bày tỏ sự ủng hộ cho một nước nào đó khác liên quan tới bất kỳ hoặc toàn bộ các đảo.
Ở quần đảo Đông Sa , Mỹ có thể công nhận nó thuộc về Đài Loan. Ở Hoàng Sa, Mỹ có thể bác bỏ yêu sách của Trung Quốc và công nhận nó thuộc về Việt Nam.
Ở Trường Sa, Mỹ có thể bác bỏ yêu sách của Trung Quốc và cân nhắc các đảo nhân tạo của Trung Quốc không thể tạo ra các vùng được hưởng quyền hàng hải nào khác ngoài 500m an toàn…
Tin thế giới
(RFI) – Mỹ có thể trừng phạt các quan chức Trung Quốc vì Biển Đông. Hôm 14/7, một quan chức cao cấp Mỹ cho biết, Hoa Kỳ có thể sẽ trừng phạt các quan chức Trung Quốc vì cách hành xử phi pháp tại Biển Đông.
Tuyên bố trên đây được đưa ra sau khi ngoại trưởng Mike Pompeo công bố lập trường chính thức của Hoa Kỳ, khẳng định các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là “bất hợp pháp”. Ông Pompeo tố cáo « chiến dịch bắt nạt kiểu găng-tơ » của Trung Quốc, cho biết Hoa Kỳ sẽ tăng cường sự hiện diện trong khu vực, nhấn mạnh « thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông như đế chế hàng hải của mình ».
Các chuyên gia nhận định đây là bước ngoặt lớn trong chính sách của Hoa Kỳ về Biển Đông, vì nếu trước đây Washington chỉ trích Bắc Kinh về cung cách hành xử, thì nay đã bác bỏ hẳn các yêu sách của Trung Quốc. Có ý kiến cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế. Tuy nhiên đến nay Việt Nam cũng như các nước ASEAN vẫn giữ thái độ thận trọng.
(VOA) – Trung Quốc cảnh báo trả đũa sau vụ Mỹ ngừng ưu đãi kinh tế với Hong Kong. Sau khi Tổng thống Trump tuyên bố chấm dứt các ưu đãi thương mại dành cho Hong Kong hôm 14/7, để trừng phạt Trung Quốc về điều ông coi là “các hành động áp chế” đối với cựu thuộc địa Anh.
Theo mệnh lệnh hành pháp mà ông Trump vừa ký, các ngân hàng có giao dịch với các quan chức Trung Quốc thực thi luật an ninh mới sẽ bị trừng phạt. Tài sản tại Mỹ của bất kỳ ai sẽ bị phong tỏa nếu người đó được xác định chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa “trong các hành động hoặc chính sách gây tổn hại tới tiến trình dân chủ hoặc các thể chế ở Hong Kong”. Mệnh lệnh hành pháp này cũng rút bỏ ưu đãi đối với những người có hộ chiếu Hong Kong.
Ngày 15/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt để trả đũa các cá nhân và cơ quan Mỹ thực thi điều luật về ngân hàng. Tuy nhiên, theo Reuters, tuyên bố trên được truyền thông nhà nước loan tải không đề cập tới mệnh lệnh hành pháp trên.
(Sputnik Việt Nam) – Việt Nam muốn khôi phục đường bay, nhưng Trung Quốc chưa đồng ý. Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng bản kế hoạch khôi phục lại một số đường bay quốc tế trong thời gian tới, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Lào, Campuchia.
Theo dự kiến mỗi tuần sẽ có từ 2.500-3.000 hành khách được đưa vào Việt Nam trên các chuyến bay thường lệ. Các đường bay được Bộ GTVT đề xuất mở trong giai đoạn đầu gồm Quảng Châu – Đà Nẵng, Tokyo – Hà Nội, Seoul – Hà Nội, Đài Bắc – TP.HCM, Viêng Chăn – Quảng Ninh, Phnom Penh – Cần Thơ.
Hầu hết các nước đã đồng ý khai thác trở lại các chuyến bay đi – đến Việt Nam. Riêng với thị trường hàng không Trung Quốc, Cục Hàng không Việt Nam đã nhiều lần đề nghị nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi. Mặc dù gần đây, Bộ GTVT có buổi làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đề nghị hỗ trợ việc mở đường bay quốc tế thường lệ đến Quảng Châu (Trung Quốc).
(RFI) – Kinh tế Trung Quốc quý 3/2020 đầy bất trắc. Theo AFP hôm nay, 15/7, triển vọng kinh tế Trung Quốc trong quý ba rất khó dự đoán. Một số chuyên gia bi quan nhất cho rằng kinh tế Trung Quốc có thể sụt giảm 2%, trong lúc những người lạc quan nhất tin vào tỉ lệ tăng trưởng 4,5%. Hàng loạt nhân tố đe dọa kinh tế Trung Quốc: đợt lũ lớn trên sông Dương Tử, có thể gây thiệt hại 5 tỷ euro, hay căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ.
(AFP/RFI) – New York Times di dời dịch vụ kỹ thuật số từ Hồng Kông sang Seoul. Trong một thư điện tử gửi đến các nhân viên, ban giám đốc tòa soạn New York Times giải thích « luật về an ninh quốc gia tại Hồng Kông gây ra nhiều bất an về hậu quả mà các quy định mới này sẽ có đối với hoạt động nghiệp vụ báo chí. » Cũng trong bức thư, được đăng trên trang mạng của nhật báo ngày 15/7, ban giám đốc « cho rằng tốt hơn nên lập một kế hoạch dự trù và bắt đầu cho di chuyển ban biên tập sang nơi khác trong khu vực ».