Người Việt tưởng niệm cuộc chiến chống Trung Quốc 1979; Thêm 18 ca Covid-19, Hải Dương kêu gọi chi viện là những nội dung chính bản tin tối nay 17/2.
- Mùng 1 Tết, cặp vợ chồng đi chúc năm mới đúng nhà bệnh nhân Covid-19
- Hà Nội phong tỏa chung cư, xét nghiệm khẩn cấp Covid-19 người Hàn Quốc vừa đột tử
- Một trường hợp F1 tại Hải Dương về Thanh Hóa ăn Tết, tiếp xúc với nhiều người
Tin trong nước
Thêm 18 bệnh nhân Covid-19
Theo bản tin lúc 18h ngày 17/2, Bộ Y tế thông báo các bệnh nhân mới (bệnh nhân 2.312- bệnh nhân 2.329) là F1, được cách ly tập trung từ trước tại Hải Dương.
Trong đó, 7 ca liên quan ổ dịch huyện Cẩm Giàng, 2 người liên quan ổ dịch phường Thanh Bình (TP. Hải Dương) và 9 bệnh nhân liên quan ổ dịch TP. Chí Linh.
Từ ngày 27/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 737 người mắc Covid-19. Dịch xuất hiện tại 13 tỉnh, thành phố gồm Hải Dương (557 bệnh nhân), Quảng Ninh (60), Hà Nội (35), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Điện Biên (3), Hòa Bình (2), Hải Phòng (1), TP.HCM (36), Bắc Giang (2), Hà Giang (1), Hưng Yên (2).
Người Việt nhắc lại cuộc chiến với Trung Cộng năm 1979
Ngày 17/2/2021 là tròn 42 năm cuộc chiến biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Người Việt, bằng các cách khác nhau, đã tưởng niệm hoạt động này.
Một số tờ báo Việt Nam đã có các bài viết nhắc nhớ về hành động xâm lượng của chế độ cộng sản Trung Quốc. Báo Người Lao Động viết ‘không bao giờ lãng quên tháng Hai năm 1979’ cho rằng sự kiện Việt Nam đánh trả cuộc tấn công của quân Trung Quốc sẽ ‘mãi được khắc ghi’. Tờ Thanh Niên đăng bài ‘42 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Giữ đất, đuổi thù’. Báo Dân Việt nhắc về sự kiện này với lưu ý ‘về mặt lý thuyết ngày 18/3/1979 được gọi là ngày kết thúc cuộc chiến biên giới phía Bắc, nhưng trên thực tế từ đó đến đầu năm 1989, 6 tỉnh biên giới nước ta không một ngày bình yên bởi pháo kích và những xâm lấn của quân Trung Quốc’. Tờ Soha dẫn bài của một đại tá quân đội Việt Nam với tiêu đề ‘Chiến tranh Biên giới phía Bắc: Quân Trung Quốc đầu hàng tập thể – Trận chiến nhục nhã nhất’…
Sau 42 năm, chưa có thống kê cụ thể và thống nhất về tổn thất trong cuộc chiến ở cả hai phía. Một ước tính từ báo giới phương Tây cho thấy 20.000 quân của Trung Quốc tử trận; nhưng tới khoảng hơn 50.000 người Việt từ già tới trẻ bị sát hại trong cuộc chiến.
Với người Trung Quốc, cuộc chiến năm 1979 nằm trong chu kỳ 10 năm tàn sát người dân trong nước của chế độ cộng sản nước này: Năm 1979 xua người lên biên giới làm bia đỡ đạn; năm 1989, thảm sát đẫm máu ở Thiên An Môn; năm 1999, đàn áp, bức hại hàng chục triệu học viên Pháp Luân Đại Pháp (hay còn gọi là Pháp Luân Công – một môn tu luyện Phật gia, chiểu theo đặc tính Chân – Thiện – Nhẫn).
Hải Dương kêu gọi chi viện
Nguồn tin từ Zing, ngày 17/2, tỉnh Hải Dương kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ thiết lập thêm các phòng xét nghiệm để nâng cao công suất xét nghiệm Covid-19.
Cụ thể, Hải Dương đề nghị Bệnh viện Bạch Mai thiết lập phòng xét nghiệm tại Bệnh viện dã chiến số 2; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thiết lập phòng xét nghiệm tại Bệnh viện dã chiến số 1.
Chính quyền Hải Dương cũng mong muốn Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hỗ trợ thiết lập phòng xét nghiệm tại huyện Cẩm Giàng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hỗ trợ một kíp chuyên gia điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 3 (Đại học Sao Đỏ, TP. Chí Linh) và đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ một số vật tư, thiết bị y tế công tác phòng, chống dịch.
Người Hàn Quốc tử vong ở quận Bắc Từ Liêm âm tính với Covid-19
Theo thông tin từ CDC Hà Nội, trường hợp người Hàn Quốc tử vong tại chung cư R2 Goldmark City ở quận Bắc Từ Liêm sáng 17/2 đã có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.
Bộ Y tế về trường hợp người đàn ông tử vong này là ông B.S.W quốc tịch Hàn Quốc, sinh năm 1974, ở tại phòng 2108 R2 Golmark City, nhập cảnh vào Việt Nam từ 2014 và ở đây không về nước. Do ở một mình nên các lực lượng đang khai thác yếu tố dịch tễ và xác định nguyên nhân tử vong.
Tin thế giới
Biển Đông: Tàu khu trục Mỹ áp sát quần đảo Trường Sa, thách thức Trung Quốc
Tàu khu trục USS Russell của Mỹ ngày 17/2 đã đi ngang các hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái phép tại quần đảo Trường Sa, nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Theo Reuters, hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ cho biết tàu khu trục USS Russell “đã khẳng định quyền tự do hàng hải ở quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật quốc tế”.
Trước đó, ngày 5/2, một tàu chiến khác của Mỹ là tàu khu trục John S. McCain cũng lần đầu tiên di chuyển qua vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa kể từ khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức.
Ngoài ra, Mỹ từng nhiều lần chỉ trích Trung Quốc uy hiếp các nước láng giềng. Ngược lại, Trung Quốc cho rằng các hoạt động của hải quân Mỹ ở Biển Đông gây bất ổn trong khu vực và can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Phát hiện biến thể Covid tại Anh có thể kháng vaccine
Một nghiên cứu của Đại học Edinburgh, Anh, cho biết đã xuất hiện một biến thể -19 mới trên 32 ca bệnh. Biến thể này cũng được tìm thấy ở 10 nước khác vào tháng 12 năm ngoái. Điều đáng lo ngại là biến thể này có thể thoát khỏi hoặc chống lại hệ thống miễn dịch của con người hoặc vắc-xin, Sound of Hope đưa tin.
Theo Guardian, biến thể Covid mới được đặt tên là B1525 có bộ gen tương đồng với chủng B117 trước đây được tìm thấy ở Kent, Vương quốc Anh, và có nhiều đột biến khiến các nhà nghiên cứu lo lắng, bao gồm đột biến E484K giúp virus xâm nhập vào tế bào cơ thể người.
Simon Clarke, phó giáo sư tại Đại học Reading, cho biết mặc dù chưa rõ B1525 có làm tăng khả năng lây lan của Covid hay gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh nhân sau khi lây nhiễm hay không, nhưng đột biến E484K ở biến thể Nam Phi đã khiến virus này phát triển khả năng kháng một số loại vắc xin ở mức độ nhất định.