Trong khi tàu Hải Dương 4 có dấu hiệu di chuyển xa vùng biển Việt Nam, tàu hải cảnh 5202 rút về Hải Nam, thì tàu Hướng Dương Hồng 14 vẫn neo đậu ở Đá Chữ Thập.
Cùng chủ đề:
- Cập nhật: Tàu kiểm ngư bám đuổi tàu khảo sát Trung Quốc xâm phạm biển Việt Nam
- Cập nhật: Tàu khảo sát Trung Quốc tiến sâu vào biển Việt Nam, cách đảo Phú Quý 150 hải lý
- Cập nhật: Tàu Hải Dương của Trung Quốc lại xâm phạm vùng biển Việt Nam
Sau gần 13 giờ đồng hồ không bắt được tín hiệu AIS, đến 18h46 ngày 19/6, tàu Hải Dương 4 của Trung Quốc đã có tín hiệu trở lại khi đang di chuyển theo hướng xa vùng biển Việt Nam, cách xa vị trí trước đó 13 tiếng khoảng 62 hải lý, cách đảo Phú Quý khoảng hơn 200 hải lý, với tốc độ từ 0,7 đến 2,5 hải lý/ giờ. Đến 19h37, tàu này cách Phú Quý 202 hải lý, cách Đá Chữ Thập 45 hải lý, theo tin từ nhóm quản trị trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Theo nhận định từ giới quan sát, phận sự trong chuyến đi vào lãnh hải Việt Nam lần này của tàu khảo sát Hải Dương 4 nhằm tạo sức ép tới hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam trên biển Đông. Vì vậy, sự di chuyển ra xa hơn vùng biển Việt Nam cũng trùng hợp với một số nguồn đăng tin cho biết kế hoạch khoan thẩm lượng tại mỏ Phong Lan Dại đã chính thức bị đình lại, giàn khoan Noble Clyde Boudreaux đã được trả lại cho chủ giàn.
Đến lúc này vẫn chưa khẳng định được tàu Hải Dương 4 có rời khỏi vùng biển Việt Nam hay không. Một nguồn tin cho biết, kiểm ngư Việt Nam vẫn luôn theo rất sát tàu Hải Dương 4.
Vẫn theo tin tức Dự án Đại Sự Ký Biển Đông thu thập được, tàu hải cảnh 5202 đang trên đường trở về Hải Nam. Đây là con tàu đóng vai hộ vệ Hải Dương 4 từ lúc xâm phạm lãnh hải Việt Nam ngày 14/6. Một con tàu khảo sát khác tên gọi Hướng Dương Hồng 14 vẫn đang neo đậu ở Đá Chữ Thập. Có lẽ đây là thời điểm Hướng Dương Hồng 14 tạm nghỉ sau khi hoàn thành một chuyến đi quanh một số thực thể ở quần đảo Trường Sa.
Trước đó, nhiều hãng thông tấn quốc tế khẳng định, họ đã sử dụng hai phần mềm định vị để xác định tàu Hải Dương 4 đã tiến đến vùng biển của Việt Nam hôm 14/6 sau khi đi qua căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.
Nhiều khả năng Trung Quốc điều tàu Hải Dương 4 xâm phạm vùng biển Việt Nam vì liên quan đến hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam với công ty Rosneft của Nga gần Bãi Tư Chính.
Trước đây, chính quyền Trung Quốc từng nhiều lần điều tàu Hải Dương 8 xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Số lần xâm phạm tăng cao trong 6 tháng cuối năm 2019, khi đó Hải Dương 8 cùng các tàu hải cảnh đã vào quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở lô dầu khí 06 -01 trong liên doanh giữa Việt Nam với công ty Rosneft của Nga ở Bãi Tư Chính.
Phía Trung Quốc cũng từng đe doạ Việt Nam trong những hoạt động khoan thăm dò dầu khí trước đây với công ty Repsol của Tây Ban Nha hồi năm 2017 và 2018.