Báo Lao Động đưa tin, văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký ngày 8/9 liên quan đến việc trang bị SGK và tài liệu tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Ông Độ yêu cầu Giám đốc các Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện việc trang bị SGK theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng, đủ số lượng và kịp thời.
Công văn do ông Độ ký nhấn mạnh, Bộ yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc; các cơ sơ sở giáo dục phổ thông phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về tài liệu tham khảo sử dụng tại trường để học sinh, phụ huynh biết lựa chọn.
Tuy nhiên, báo giới đang phản ánh thực tế diễn ra ngược lại với những điều ông Độ nhấn mạnh.
Theo Zing, 2020-2021 là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa (SGK) lớp 1 có sự thay đổi. Bộ GD&ĐT quy định 8 đầu sách bắt buộc cùng một quyển Tiếng Anh. Giá các bộ sách được nhà xuất bản thông báo dưới 200.000 đồng.
Thực tế, tại nhiều nơi, phụ huynh phải mua cả 30 cuốn, đồ dùng học tập với số tiền gần 1 triệu đồng. Tình trạng nhập nhèm giữa sách giáo khoa và sách tham khảo diễn ra ở nhiều nơi. Nhiều phụ huynh thông tin họ phải mua cả bộ, gồm cả SGK và sách bổ trợ nhà trường đưa ra. Phụ huynh không biết rõ đâu là sách bắt buộc, tự chọn. Nhà trường cũng không thông tin, giới thiệu đầy đủ.
Cùng phản ánh về vấn đề này, báo VTC cho hay, một trường tiểu học ở Thanh Hóa yêu cầu phụ huynh phải đóng hơn 700.000 đồng để mua sách vở và đồ dùng học tập. Năm học này trường chọn bộ sách giáo khoa Cánh Diều, đi kèm là bộ thực hành Toán – Tiếng Việt và bộ hình khối môn Toán.
Đến khi nhận sách, phụ huynh không biết đâu là sách giáo khoa, đâu là sách bổ trợ vì sách lớp 1 được bán theo bộ. Năm đầu tiên đổi sách, nhà trường yêu cầu mua 100% nên tất cả phụ huynh đều bắt buộc đóng tiền rồi nhận sách.
Theo giá niêm yết của các nhà xuất bản, bộ sách giáo khoa mới có giá khoảng 179.000 đồng đến 199.000 đồng/bộ. Tuy nhiên nhiều phụ huynh đang phải bỏ ra số tiền gấp 3- 4 lần để có sách cho con học tập.