Sau phiên tòa sơ thẩm, 2 mẹ con bà Dự như 2 ngã rẽ của cuộc đời. “Cháu mất, con đi tù, tôi có sung sướng gì đâu”.
Lần đầu tiên xem bức ảnh gia đình 4 thành viên của Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Thị Lan Anh bên cạnh bé Minh M. và Minh Tâm, bà Vũ Thị Dự, 51 tuổi bật khóc. Gia đình nhìn qua ngỡ như êm ấm, hạnh phúc, lại kết thúc bằng một bi kịch đau xót từ quá khứ, hiện tại đến tương lai. Mà đau đớn hơn, bi kịch đó lại xuất phát từ người được xem là mẹ đẻ, bố dượng.
3 đời chồng lầm lỡ
Lan Anh, 29 tuổi, con gái duy nhất của bà Dự bị tuyên án chung thân; còn Minh Tuấn, chồng Lan Anh, chịu mức tử hình do bạo hành bé Minh M. đến chết. Chủ toạ nêu rõ hành vi 2 đối tượng gây ra với M. rất tàn nhẫn, đã hành hạ cháu trong nhiều ngày, không chỉ một mà tận hai bị cáo thay nhau đánh đập cháu không thương tiếc.
Bà Dự sinh Lan Anh vào năm 1991, khi con gái được 12 tháng, hai vợ chồng li hôn. Bà còn trẻ, năm đó vừa tròn 22 tuổi, bế Lan Anh về quê mẹ ở thôn Võng La, xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội sinh sống. Nhiều thanh niên trong làng để mắt tới bà Dự, muốn tính chuyện qua lại, nhưng bà không đồng ý. Vì thương Lan Anh, bà chấp nhận ở vậy, dành cả tuổi thanh xuân nuôi con gái.
Học hết cấp 3, Lan Anh thi ĐH nhưng chỉ đỗ Cao đẳng Y Hà Nội. Trong khi chờ điểm, Lan Anh một mực đòi lấy người chồng làng bên dù chưa đủ tuổi kết hôn. Sinh con trai đầu lòng, tổ chức đám cưới, bà Dự đến nhà chồng xin cho Lan Anh tiếp tục việc học để có tương lai về sau.
Con trai được 3 tuổi rưỡi, vợ chồng Lan Anh xảy ra mâu thuẫn, cô bỏ đi biền biệt một thời gian, rồi về xin mẹ cho li hôn chồng. “Con không sống được với gia đình bên chồng, mong mẹ cho phép”. Bà Dự ban đầu không đồng ý, nói “ngày trước con yêu người ấy, đòi lấy bằng được, thậm chí con còn lên nhà người ta trốn, mẹ phải đi tìm. Mẹ khuyên không được nên đành phải cho con cưới”.
Nhưng Lan Anh vẫn nhất quyết không nghe, rồi mang tiếng một đời chồng. Đứa con trai để lại bên nhà nội nuôi nấng.
Li hôn, Lan Anh bỏ đi làm ăn xa, một thời gian sau lại quay về. Năm 2016, cô đưa anh Trần Ngọc S. ở Hải Dương, ít hơn 2 tuổi, về ra mắt. Không giấu diếm, bà Dự hỏi anh S. “Con có thật sự yêu Lan Anh không, vì nó có một đời chồng rồi. Con phải suy nghĩ kĩ, cô rất thương con, mong 2 đứa được hạnh phúc”.
Anh S. khi đó vẫn đồng ý cưới Lan Anh, thường xuyên lui tới nhà bà Dự ăn cơm, ngủ lại. Một ngày trước đám cưới, gia đình 2 bên chuẩn bị mâm cỗ tươm tất, Lan Anh bất ngờ mang bụng bầu 6 tháng bỏ trốn.
2 tháng sau, Lan Anh tìm về, nói vợ mẹ rằng “con không hợp, đám cưới này không thực hiện được mẹ ạ”. Cô đã chuẩn bị 15 triệu để bỏ thai, bà Dự khuyên ngăn con, trách mắng “nếu con bỏ bé con thì đừng bao giờ trở về nhà nữa. Nếu thương mẹ, hãy để bé con trong bụng lại, nó không có tội tình gì. Nếu con không thích thì cứ sinh ra rồi để mẹ nuôi”.
Lan Anh sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đặt tên Nguyễn Ngọc Minh M. Bà Dự đón 2 mẹ con Lan Anh về nhà chăm bẵm. Từ khi Lan Anh bỏ đi, gia đình anh S. cũng không còn hỏi thăm nữa.
Ngỡ rằng con gái sẽ thay tính đổi nết sau khi có Minh M., nhưng khi đứa bé được 3 tháng, Lan Anh đòi đi làm ở một phòng khám thẩm mỹ vì “ở nhà buồn chán”. Tại đây, cô gặp Nguyễn Minh Tuấn. Một thời gian sau, cô dẫn Tuấn về nhà.
Trước mặt bà Dự, Tuấn nói yêu Lan Anh, mong muốn được nên vợ nên chồng. Bà không ngăn cấm, một lần nữa khuyên nhủ “suy nghĩ kĩ!”. “Con ơi, bây giờ Lan Anh còn con nhỏ, 2 lần lầm lỡ. Nếu 2 đứa yêu thương nhau thật lòng thì phải cần thời gian để cảm nhận liệu đến với nhau có hạnh phúc không?”.
Minh M. được 4 tháng tuổi, Lan Anh bỏ đi theo Tuấn. Mới đầu đi 2-3 ngày, sau một tuần, rồi đi luôn. 2 tháng, cô ta về đòi đón Minh M. nhưng bà Dự không đồng ý. Kể từ đó, đến hơn 1 năm, Lan Anh về, lần này mang theo cháu Minh Tâm, con chung của cô và Tuấn. Lan Anh hỏi mượn mẹ sổ hộ khẩu để làm thủ tục li hôn bố Minh M., rồi đăng ký kết hôn với Tuấn và làm giấy khai sinh cho bé Minh Tâm.
Quãng thời gian về sau, cứ cuối tuần hoặc nửa tháng, Lan Anh lại về thăm Minh M. một lần. Thương cháu ngoại không có bố mẹ, cứ một mình lủi thủi bên bà, bà Dự cố gắng những ngày Lễ tết cho cháu được đi chơi bằng bạn bằng bè.
24 ngày bạo hành bé gái 3 tuổi dã man
Ngày 5/3/2020, vẫn như mọi lần, Lan Anh gọi điện thoại xin đón cháu M. sang ở cùng và được bà Dự đồng ý. Từ ngày 5/3 đến 8/3, cháu M. ngoan, nghe lời và được Tuấn yêu quý.
Khoảng 8h ngày 29/3, sau khi ngủ dậy, Lan Anh nấu đồ ăn sáng cho cả nhà. Lúc này, Tuấn hỏi cháu M. ăn gì, cháu nói đòi ăn bánh gạo. Không hài lòng với thái độ của cháu, Tuấn bảo vợ lấy chậu nhựa mang lên gác xép, cho mấy cái bánh gạo vào rồi bắt bé quỳ phạt ở trong chậu.
Ăn sáng xong, Tuấn tiếp tục hỏi cháu M. có ăn gì không, nhưng cháu không trả lời mà lườm lại. Tuấn dùng cán chổi bằng kim loại vụt 4-5 cái vào mông, thắt lưng cháu bé và tiếp tục bắt quỳ trong chậu ở tầng 1.
Sau khi ngủ trưa dậy vào 13h30 cùng ngày Tuấn hỏi M. ăn gì, nhưng cháu tiếp tục không trả lời. Đến khoảng 15h30, bực tức, anh ta lấy cán chổi vụt liên tiếp vào người cháu bé rồi bỏ lên gác xép nằm ngủ.
Đến 23h cùng ngày, Tuấn bảo vợ không cho M. ngủ cho đến khi biết xin lỗi mới tha. Lan Anh nói mệt và buồn ngủ nên Tuấn bảo vợ dùng ma túy cho tỉnh. Cả hai dùng ma túy và tiếp tục phạt, đánh đập cháu M. khi cháu bé đòi uống sữa.
Thấy con ngủ gật, Lan Anh dùng kim khâu quần áo chọc vào 2 bắp tay, hai đùi cháu bé rồi bỏ lên gác xép, cùng chồng dùng ma túy. Khoảng 2h sáng ngày 30/3, dùng ma túy xong, Lan Anh đi xuống bắt con xin lỗi thì sẽ được tha, nhưng cháu M. không xin lỗi mà đòi uống sữa “bà yêu”.
Lan Anh bảo, phải xin lỗi mới được uống nên cháu bé đã hét lên. Thấy vậy, Tuấn từ trên gác xép lao xuống, dùng tay ấn cổ cháu bé, đánh liên tiếp vào vùng đầu, mặt và người nạn nhân, cho đến khi cháu không hét nữa.
2h sáng 30/3, phát hiện con đại tiện ra chậu, Lan Anh xốc nách, kéo lê con vào nhà tắm vệ sinh, sau đó cả nhà đi ngủ. Tỉnh dậy, thấy cháu M. thân nhiệt cao bất thường, khó thở, lịm dần, Tuấn và Lan Anh gọi xe cấp cứu. Tuy nhiên cháu bé đã chết trước khi đến bệnh viện, nhận định nguyên nhân do đa chấn thương trên khắp cơ thể và chấn thương sọ não nặng.
“Mẹ nói tôi ở một mình với đứa con gái sau này sẽ khổ, bây giờ quả đúng là như vậy”
Thường cứ cuối tuần, Lan Anh đón M., đến thứ 2 sẽ mang cháu về cho mẹ. Nhưng hôm đó, đợi mãi không thấy con đưa cháu về, bà Dự gọi điện thì Lan Anh bảo “Mẹ ơi, chúng con yêu M. lắm, M. ăn hết một bát cơm đầy, thịt xé nhỏ và chan canh”.
24 ngày trôi qua không nhận được thông tin của cháu, bà Dự bất ngờ nhận cuộc điện thoại của cảnh sát, báo Minh M. đã chết, bà đến xác nhận nhân thân. Nhìn thân thể cháu chằng chịt vết thương bầm tím, bà Dự đã hứa với linh hồn cháu, quyết đưa vụ việc đến tận cùng, để Lan Anh và Tuấn phải chịu mức án cao nhất của pháp luật.
Hơn nửa năm, phiên toà sơ thẩm đầu tiên được ấn định, ngày 28/10/2020. Tòa bị hoãn vì vắng mặt 3/7 luật sư của Tuấn và Lan Anh, khiến bà vô cùng bức xúc và liên tục gục vào di ảnh cháu bật khóc nức nở. Bà cho rằng, tội trạng của 2 bị cáo đã rõ ràng, trước sau gì cũng phải chịu tội, “tại sao chúng vẫn cố dùng ‘thủ đoạn’ để trì hoãn”.
Ngày 18/11, phiên toà sơ thẩm được mở lại, bà Dự một lần nữa ôm di ảnh, quần áo và gấu bông của cháu đến. Sau khi đại diện VKS công bố bản cáo trạng, 2 bị cáo bất ngờ thay đổi lời khai. Cả 2 thừa nhận việc sử dụng trái phép chất ma túy, tuy nhiên việc hành hạ cháu M. đến chết thì không nhận.
Lan Anh nói, đến phiên toà lần này cô ta thay đổi lời khai với lý do “muốn nói rõ sự thật”, rằng những lần lấy lời khai trước đó, 2 vợ chồng bị “ép cung”, “đánh đập” nên mới nhận tội. Tuấn khai chỉ nghĩ bé M. tử vong do bị cảm lạnh bởi trước đó Lan Anh có tắm cho con, nói việc đánh con là để “giáo dục” vì con bướng, không chịu nghe lời.
Tuấn cũng nói sau mỗi lần đánh cháu M. anh ta đều chủ động giảng hòa, dỗ dành, xin lỗi cháu nhưng cáo trạng không nêu chi tiết này. Về việc sử dụng ma túy, Tuấn khẳng định không nghiện mà chỉ sử dụng để thức đêm, “phục vụ công việc thiết kế thương hiệu”.
Trước bục khai báo, Lan Anh nói sau khi đón con về được 2 – 3 ngày, 2 vợ chồng thấy con có nhiều biểu hiện lạ, đặc biệt là khi cởi quần ra thì cháu bé nói bị bà đụng chạm vào vùng nhạy cảm. Lúc này, bị cáo nghĩ đến việc ngày xưa bị mẹ làm như vậy nên quyết định cùng chồng đón con về.
Lan Anh còn xin lỗi mẹ vì những lời nói sau có thể làm tổn thương bà. Cụ thể, Lan Anh khai từ bé sống chung với mẹ. Mẹ đơn thân có nhiều người tình, nên cô ta thường chứng kiến cảnh mẹ quan hệ tình dục với họ, những người ấy thậm chí còn có ý định xâm hại cô ta. Nhà ông bà ngoại gần đấy nên Lan Anh đã hét lên, họ mới không làm hại.
Bà Dự nghe vậy bật khóc, khẳng định 2 bị cáo vu khống khi nói bà hành hạ, đánh đập và xâm hại cháu. Bà nói, Lan Anh khiến bà đau lòng khi nói những ngôn từ không đúng đắn trước toà. Bà còn nhờ luật sư đưa ra một bức thư Lan Anh gửi bà thời điểm bà ngoại mất, chứng minh những lời nói của cô ta là sai sự thật.
Trong thư, Lan Anh có viết “Con vốn dĩ là đứa ngang bướng, bây giờ cũng vẫn chưa 1 lần làm mẹ hết lo lắng. Nhưng con chỉ muốn mẹ biết là còn có một đứa con gái như con luôn dõi theo tâm trạng mẹ, quan tâm mẹ và yêu mẹ vô cùng”.
“Nếu một người mẹ xâm hại con gái mình thì đứa trẻ sẽ uất hận, mẹ con thậm chí không thể nhìn mặt nhau. Mà nếu tôi hư hỏng, tôi đã không hi sinh cả tuổi thanh xuân cho Lan Anh.
Bức thư chứng minh 2 mẹ con yêu thương và quan tâm nhau như thế nào. Mẹ tôi từng mắng vì tôi không đi bước nữa. Tôi hết mực vì Lan Anh nên không lấy ai. Nếu tôi lấy chồng, bà sẽ an tâm hơn. Bà nói tôi ở một mình với đứa con gái sau này sẽ khổ, bây giờ quả đúng là như vậy”, bà Dự nói.
“Lan Anh đã 3 đời chồng thì phải biết dùng từ hạnh phúc cho đúng nghĩa”
Trước khi tòa tuyên án, bà Dự ngồi cách Lan Anh khá xa, đã xin lực lượng chức năng được tiến lại gần con gái. Vì bà muốn, Tuấn và Lan Anh, trước di ảnh của Minh M. sẽ nói lời xin lỗi. Tuy nhiên, tránh ảnh hưởng tới phiên toà, lời đề nghị này của bà Dự không được chấp thuận.
“Tôi mang di ảnh của Minh M. tới toà, chỉ mong con bé nghe được lời xin lỗi của Tuấn và Lan Anh”, trong thâm tâm, bà muốn nói với Lan Anh, “con hãy nhìn con của con đi, đây là Minh M., hãy xin lỗi Minh M. để bé con được nhẹ nhàng siêu thoát”.
Sau phiên toà, bà Dự lại gần con gái, Lan Anh quỳ xuống lạy một lạy, bật khóc xin mẹ giảm án cho chồng.
“Tôi chỉ mong Lan Anh nói rằng, “mẹ ơi, con sai rồi, con xin lỗi mẹ. Mẹ xin lỗi Minh M. vì đã gây ra cho con bao đau đớn, vì lỗi của mẹ, mong con tha lỗi cho mẹ”, nhưng sau cùng, Lan Anh vẫn chỉ nghĩ cho chồng nó”, bà Dự nhớ lại.
4 lần Lan Anh quỳ gối, 2 lần xin lỗi mẹ đẻ, 1 lần xin lỗi bố mẹ chồng và lần cuối cùng xin bà Dự viết đơn giảm án cho Tuấn. Suốt quá trình diễn ra phiên tòa, không một lần nữ bị cáo xin lỗi người con đã khuất của mình.
“Đến giờ phút này rồi, Lan Anh vẫn còn u mê như vậy. Lan Anh làm vì cái gì? Cuộc sống này quý giá nhất điều gì? Người thứ nhất là con của mình, người thứ nhì là người sinh ra mình, người thứ 3 mới là chồng mình. Người chồng đã giết con mình, Lan Anh không một lời xin lỗi còn mong tôi xin tha chết cho chồng nó”, bà bức xúc.
Cho đến lời sau cùng trước khi toà tuyên án, Lan Anh vẫn một mực “cảm ơn chồng, thời gian sống cùng nhau là những tháng ngày hạnh phúc nhất, được bảo vệ và yêu thương”. Bà Dự đợi mãi vẫn không một lời dành cho Minh M., bà không thể bình tĩnh: “Lan Anh đã 3 đời chồng thì phải biết dùng từ hạnh phúc cho đúng nghĩa. Nhưng Lan Anh đã sai, hạnh phúc là gì? Là 1 người chồng khiến Lan Anh nghiện ngập? Là một người chồng đã giết chết con của Lan Anh?”
“Tại sao con lại khẳng định điều ấy là hạnh phúc và xin lỗi chồng con? Ai mang cho con cuộc sống khổ sở như ngày hôm nay, chính là Tuấn! Con muốn mẹ xin cho chồng con vì con còn 1 đứa con nhỏ Minh Tâm, thì con phải hiểu rằng bé Minh M. là ai, lúc con hành hạ, Minh M. gọi ai, nhờ vào ai. Con phải tỉnh ngộ và biết lỗi của mình”.
Bà Dự nói con đường bây giờ, 2 mẹ con bà như 2 ngã rẽ của cuộc đời. “Cháu mất, con đi tù, tôi có sung sướng gì đâu”. Người ra đi là Minh M., kẻ ở lại như bà chỉ còn những kỷ niệm đau đớn. Bà sống như chết, không ít lần muốn tìm đến cái chết để chấm dứt tất cả. Mỗi khi ra đường, người ta vẫn hay nói: “à con gái bà ấy giết cháu”, chỉ cần nhắc thế thôi cũng là 1 nỗi đau.
Nhiều lúc nghĩ lại những vết thương của M., bà Dự lẩm bẩm: “Thôi con chờ bà, bà cũng chẳng thiết tha gì cuộc sống này. Nếu con đau đớn quá, bà xuống chăm sóc con, chữa lành vết thương cho con, xoa dịu nỗi đau, để con được ở mãi bên cạnh bà”.
Bà mong Minh M. quên đi những nỗi đau để làm lại một kiếp người mới, dặn cháu nhớ chọn bố mẹ thực sự yêu thương con, không cần giàu có, chỉ cần có tình thương bao la dành cho con là đủ.
“Đây là bi kịch cuộc đời, trong cuộc sống nhiều điều khiến mình suy nghĩ, đau buồn. Thương cháu, cố gắng gượng, tôi nghĩ có khi ra đi là sung sướng nhất, không còn đau khổ, sang thế giới yên bình để được giải thoát khỏi những buồn khổ. Cả cuộc đời phía trước còn dài lắm!”.
Nếu ngay từ đầu Lan Anh và Tuấn nhận lỗi, có một lời xin lỗi tử tế với Minh M. thì con đường đã khác. Đây là một điều đáng tiếc!
Thông tin bài viết được tổng hợp từ báo Trí Thức Trẻ.