“Thông minh là do trời ban, còn lòng tốt là một sự lựa chọn”, câu nói này nhắc nhở chúng ta rằng nên có lòng tốt với tùy người, trong tùy việc.
Giúp đỡ người khác là chuyện tốt, nhưng nếu lòng tốt đặt sai chỗ thì lại chính là vừa hại mình vừa hại người. Vậy nên có những kiểu lòng tốt mà chúng ta cũng cần nên tránh
Nhận giúp người khác nhưng quá sức mình
Bạn muốn giúp đỡ người khác để chứng tỏ bản thân mình là người tốt; bạn chân tình muốn giữ mối quan hệ tốt đẹp; nhưng nếu làm những việc vượt quá khả năng của mình, điều đó có thể gây ra áp lực cho chính mình; tiêu tốn thời gian, năng lượng của bạn, thậm chí còn phản tác dụng.
Có hai khả năng xấu có thể xảy ra chính từ lòng tốt của bạn. Tình huống đầu tiên là bạn đã cố gắng rất nhiều để giúp đỡ, nhưng đối phương lại nghĩ rằng đó là chuyện hiển nhiên, là bạn tự nguyện; họ sẽ thờ ơ chẳng biết ghi nhận và cảm ơn bạn. Tình huống thứ hai, bạn cố gắng giúp đỡ, nhưng năng lực của bạn chỉ giới hạn; bạn làm không tốt việc đó và khiến đối phương thất vọng, mất lòng tin vào mình.
Cả hai tình huống trên đều khiến cho bạn chuốc lấy cảm xúc tiêu cực, làm người khác không tin bạn. Thế nên, biết cách từ chối người khác cũng là một trong những dấu hiệu chứng tỏ sự trưởng thành của một người. Việc từ chối giúp đỡ cũng đồng nghĩa với việc đưa ra lựa chọn tốt nhất cho bản thân lẫn đối phương, cho người đó có cơ hội đưa ra quyết định tốt hơn.
Giúp những việc làm hại người khác, không phải là lòng tốt chân chính
Nếu một ai đó nhờ bạn giúp đỡ để làm tổn thương một người khác, tốt nhất là bạn cần tránh, không nên giúp đỡ. Bởi vì bạn không bao giờ biết được hậu quả của những việc mình làm; dù xuất phát từ lòng tốt, nhưng nó lại gây tác động tiêu cực cho bên thứ ba.
Trong trường hợp này, nếu bạn can thiệp vào thì lòng tốt của bạn sẽ trở thành ác tâm.
Đưa ra những quyết định quan trọng thay người khác
Mỗi người nên có trách nhiệm với lựa chọn quyết định cá nhân của mình; thay vì dựa dẫm vào ý kiến của người khác bạn hãy luôn nhớ rằng, đừng bao giờ giúp người khác đưa ra quyết định thay họ. Sự nhiệt tình của bạn có thể làm người khác sai lầm; sự hạn chế của bạn có thể gây tổn thương đến cuộc sống riêng tư của họ. Những quyết định khác nhau có thể đem đến kết quả khác biệt lớn. Bởi vậy, bạn đừng giúp ai đưa ra những quyết định lớn, dù cho đó là người thân thiết nhất của bạn.
Dù bạn có nhiều kinh nghiệm đến mức nào; dù bạn có hiểu họ đến đâu; thì suy cho cùng thì bạn vẫn không thể sống thay cho cuộc đời của họ. Mỗi người có một cuộc sống, bạn không phải là người ấy; bạn không thể hiểu hết về tính cách, cũng như toàn bộ quan điểm của họ. Đôi khi, sự khác biệt trong nhận định sẽ khiến đối phương mất đi điều mà họ mong muốn nhất. Do đó đừng để nỗi nuối tiếc lớn nhất trong đời họ có liên quan đến sự tham gia của bạn.
Giúp đỡ về tiền bạc
Bạn càng tốt bụng, bạn càng ít nhận ra ý định xấu của người khác. Cho nên lòng tốt mà không có lý trí đôi khi còn dễ bị lợi dụng bởi những kẻ có động cơ thầm kín.
Ví dụ, hai cô gái cùng thuê một căn nhà trọ, họ dần thân thiết với nhau. Một ngày, cô gái thứ nhất đang gặp tình cảnh khó khăn nên vay tiền của cô thứ hai với lý do người thân ốm, cần nhiều tiền chữa trị. Cô thứ hai không chút suy nghĩ liền tin tưởng giúp bạn; thương bạn nên cho bạn vay vài tháng lương; thậm chí còn đi mượn thêm tiền cho bạn để giải quyết việc gia đình.
Mấy ngày sau, cô thứ hai trở về và phát hiện ra người bạn mà mình tin tưởng đã âm thầm rời đi không lời tạm biệt. Thông qua cảnh sát điều tra, cô biết mình bị lừa.
Trong cuộc sống đời thường, không ít người bị lừa dối tiền bạc, thậm chí bị lừa bởi chính bạn bè, ngay cả người thân thiết. Con người ai cũng có điểm yếu, đặc biệt là với những người tốt bụng. Kết quả là, trong khi hết lòng hết sức giúp đỡ người khác, họ lại tự mình chuốc khổ, chuốc nợ vào thân.
Đương nhiên khi bạn bè, người thân gặp khó khăn, việc giúp đỡ là điều bình thường. Nhưng đừng quên câu của người xưa nói: “Không nên có tâm hại người, nhưng cần phải có tâm phòng người”. Đừng bao giờ tin tưởng một người trọn vẹn, bởi trái tim người đó có thể thay đổi; mọi thứ đều không thể đoán trước được.
Không nên có lòng tốt với người không biết đủ
Khi bạn tặng một túi gạo nhỏ, người ta có thể gọi bạn là ân nhân. Nhưng nếu bạn cho họ cả bao gạo, có thể họ quên mất lòng tốt của bạn. Hay như bạn có thói quen giúp đỡ người khác, dần dần họ cảm thấy quen với việc nhận vô điều kiện. Người đó luôn cho rằng, sự giúp đỡ là hiển nhiên; họ không đánh giá cao những gì bạn giúp đỡ họ. Một ngày nào đó, nếu bạn không thể giúp đỡ được nữa, người đó có thể sẽ trách cứ bạn, cho rằng bạn “nợ” họ.
Bạn đừng quên rằng, không bao giờ có thể đánh thức một người giả vờ ngủ; không bao giờ có thể làm thỏa mãn một người tham lam.
Có thể bạn quan tâm